Hoạt động kiểm toán nhà nước góp phần nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề của Quốc hội

NGUYỄN HỒNG (Thực hiện) | 03/11/2022 19:53

(BKTO) - Trao đổi với Báo Kiểm toán về vai trò và đóng góp của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong công tác giám sát của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà đánh giá, KTNN ngày càng tích cực tham gia vào hoạt động giám sát của Quốc hội. Nhiều kết quả kiểm toán của KTNN đã được nghiên cứu, sử dụng, đưa vào nhận định, đánh giá trong báo cáo giám sát.

202206030838374564_20.-nguyen-thi-phu-ha-hoa-binh.jpg
Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà. Ảnh: VPQH

Thưa bà, xin bà có thể đánh giá khái quát về vai trò và những đóng góp của KTNN đối với hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian qua?

Thời gian qua, công tác giám sát của Quốc hội ngày càng được chú trọng. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề ra mục tiêu “Đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. Đặc biệt, hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc đang được dư luận xã hội quan tâm, liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân thủ theo pháp luật. Một trong những nhiệm vụ của KTNN liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội được quy định tại khoản 6 Điều 10 Luật KTNN năm 2015: “Tham gia với các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH về lĩnh vực tài chính - ngân sách, giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) và chính sách tài chính khi có yêu cầu”.

Trong mối quan hệ giữa Quốc hội và KTNN, Điều 63 Luật KTNN năm 2015 quy định: “Tổng Kiểm toán nhà nước báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác của Kiểm toán nhà nước trước Quốc hội, UBTVQH; báo cáo, giải trình, cung cấp tài liệu, nghiên cứu và trả lời các kiến nghị theo yêu cầu của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trước Quốc hội hoặc UBTVQH”.

Theo quy định này, KTNN là cơ quan cung cấp thông tin thường xuyên về kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công để phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội; đồng thời tham gia hoạt động giám sát của Quốc hội khi có yêu cầu.

Thực hiện quy định của Luật, KTNN ngày càng tích cực tham gia vào hoạt động giám sát của Quốc hội. Các hoạt động chủ yếu của KTNN phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội được thể hiện qua nhiều nội dung cụ thể.

Thứ nhất, Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán phục vụ công tác phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm của Quốc hội.

Thứ hai, thông qua kết quả kiểm toán, các kết luận, kiến nghị đã cung cấp nhiều thông tin, số liệu để Quốc hội, UBTVQH thảo luận, xem xét phê chuẩn dự toán NSNN, phân bổ ngân sách trung ương, kế hoạch đầu tư công hằng năm và 5 năm; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, như: phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; hoàn thiện thể chế và giám sát các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm ban hành, thực hiện đúng Hiến pháp.

Thứ ba, KTNN tham gia tích cực vào hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội. Lãnh đạo KTNN, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc đã tham gia vào các hoạt động giám sát chuyên đề và cung cấp đầy đủ, kịp thời cho các đoàn giám sát về các kết quả kiểm toán do KTNN thực hiện.

Nhiều chuyên đề giám sát của Quốc hội đã được KTNN tổ chức thực hiện thành các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành hoặc lồng ghép trong nhiều cuộc kiểm toán.

Một số chuyên đề đáng chú ý được KTNN thực hiện trong những năm qua đã kịp thời cung cấp thông tin, số liệu thiết thực và tin cậy cho hoạt động giám sát của Quốc hội như: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, giai đoạn 2016-2020; Việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011-2017; Việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017; Việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020; Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021; việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ (đây cũng là một trong những nội dung thuộc chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023)... 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà

Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, nhiều kết quả các cuộc kiểm toán trong những năm gần đây đã được Đoàn Giám sát nghiên cứu, sử dụng, đưa vào nhận định, đánh giá báo cáo giám sát chuyên đề báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 này.

Ngoài ra, các thông tin kết luận, kiến nghị, thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN được công khai minh bạch cũng tạo điều kiện cho nhân dân, cử tri tham gia thực hiện vai trò giám sát đối với toàn bộ hoạt động của chính quyền các cấp.

Theo bà, trong thời gian tới, KTNN cần chú trọng vấn đề gì để phát huy vai trò và đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho hoạt động giám sát của Quốc hội?

Có thể thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả đóng góp của hoạt động kiểm toán đối với hoạt động giám sát của Quốc hội còn một số hạn chế. Điển hình như, do đặc thù hoạt động kiểm toán mang tính hậu kiểm, kết quả kiểm toán có độ trễ (thường tối thiểu là 1 năm), nên chưa đáp ứng yêu cầu giám sát của Quốc hội trong việc xem xét, phê chuẩn dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương hằng năm để bảo đảm tính thời sự, cập nhật.

Trong một số trường hợp, KTNN không kịp thời gian tổ chức kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát chuyên đề báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm. Bên cạnh đó, công tác công khai toàn bộ các báo cáo kiểm toán và cung cấp các báo cáo kiểm toán cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để có thông tin phục vụ cho các hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội... cũng còn những hạn chế.

tin-3_20220815105300.jpg
Tích cực tham gia vào hoạt động giám sát của Quốc hội, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu ý kiến tại buổi làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: quochoi.vn 

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, cũng như phát huy được vai trò của KTNN trong đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, tôi cho rằng, KTNN cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Trong hoạt động kiểm toán, KTNN cần bám sát yêu cầu giám sát của Quốc hội, UBTVQH trong xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn và kế hoạch kiểm toán hằng năm để kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch và phương án tổ chức kiểm toán hằng năm khoa học, hiệu quả; giảm số cuộc, đầu mối kiểm toán để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán, tăng số lượng các cuộc kiểm toán quyết toán NSNN hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của Luật NSNN và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; bố trí kế hoạch kiểm toán hợp lý để kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu kiểm toán phục vụ cho các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội và UBTVQH bảo đảm chất lượng.

Ngoài ra, KTNN cũng cần thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH về dự toán, quyết toán NSNN, tài sản công, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán để rút ngắn thời gian kiểm toán tại đơn vị, nâng cao hiệu quả, chất lượng báo cáo kiểm toán; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán; đa dạng hóa các hình thức công khai kết quả kiểm toán; nâng cao tính hiệu lực các kiến nghị kiểm toán, tăng cường trách nhiệm giải trình, góp phần chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 vừa qua, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đề xuất Quốc hội, UBTVQH xem xét có kế hoạch giám sát trung hạn (2-3 năm) hoặc định hướng sớm hơn về các chuyên đề dự kiến giám sát hằng năm (tối thiểu trước 01 năm), giúp KTNN chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, nhằm phát huy tốt hơn vai trò của KTNN trong hoạt động giám sát. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Hoạt động giám sát của Quốc hội được thực hiện theo quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Về chương trình, lựa chọn các chuyên đề giám sát của Quốc hội được quy định chặt chẽ trong Luật này.

Cụ thể, khoản 1 Điều 12 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định: “UBTVQH dự kiến chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp giữa năm của năm trước”.

Theo đó, tại thời điểm hiện nay chưa thể xem xét kế hoạch giám sát trung hạn. Tuy nhiên, chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội được thông qua khá sớm ngay từ giữa năm trước. Do đó, đề nghị KTNN căn cứ chương trình giám sát năm sau của Quốc hội, có thể xem xét điều chỉnh, bổ sung các cuộc kiểm toán liên quan đến các chuyên đề giám sát của Quốc hội trong năm ngay sau thời điểm Quốc hội phê chuẩn chương trình giám sát năm sau hoặc xây dựng kế hoạch các cuộc kiểm toán liên quan ngay đầu năm sau để kịp thời gian cung cấp thông tin, số liệu phục vụ các hoạt động giám sát của Quốc hội.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Cùng chuyên mục
  • Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 22 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Trong các ngày 01 và 02/11/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 22. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.
  • Làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam - Trung Quốc
    một năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công tốt đẹp, góp phần tích cực trong việc phát huy tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong thời đại mới, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.
  • Giảm hơn 7.000 đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. Qua đó đã giảm 7.469 đơn vị, vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương – Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết.
  • Tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 02/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
  • Quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá
    một năm trước Chính trị
    Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cần quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, nhằm tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước ảnh hưởng đến quy luật cung - cầu…
Hoạt động kiểm toán nhà nước góp phần nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề của Quốc hội