Quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cần quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, nhằm tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước ảnh hưởng đến quy luật cung - cầu…

20da7e9df29b34c56d8a.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Khắc phục tình trạng "luật khung, luật ống"

Chiều 02/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình Quốc hội Dự án Luật Giá (sửa đổi).

Liên quan đến quy định về bình ổn giá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong thực hiện.

Đồng thời, Dự thảo Luật đã cụ thể hóa dấu hiệu để nhận diện các trường hợp áp dụng bình ổn giá; quy định cơ chế để xử lý tình huống hàng hóa, dịch vụ cần bình ổn nhưng chưa có trong danh mục để áp dụng trong các trường hợp công bố tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai…

Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ, việc Nhà nước có biện pháp bình ổn giá khi thị trường có biến động bất thường đối với một số mặt hàng thiết yếu là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm tránh các tác động tiêu cực đến đời sống người dân và ổn định kinh tế vĩ mô.

Cơ quan thẩm tra đề nghị, việc áp dụng bình ổn giá phải bảo đảm bình ổn trên cơ sở điều tiết thông qua các biện pháp kinh tế như điều hòa cung - cầu; điều hòa sản xuất trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu; tổ chức lưu thông hàng hóa; áp dụng các giải pháp về tài chính, tiền tệ linh hoạt.

Đồng thời, áp dụng bình ổn giá đối với một số mặt hàng cần có khung giá phù hợp; kiểm soát tốt biến động giá từ đó kiềm chế lạm phát hoặc giảm phát; hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, trái quy luật thị trường; hạn chế áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá thông qua trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để bù giá, bù lỗ.

Về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành. Theo đó, quy định cụ thể trong Luật danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; trong trường hợp cần điều chỉnh danh mục, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định.

Làm rõ hơn điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường chỉ rõ, giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, liên quan đến ổn định thị trường, do đó cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt nhằm tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước ảnh hưởng đến quy luật cung -cầu; bảo đảm tính pháp lý chắc chắn, ổn định, giúp doanh nghiệp, người dân có chiến lược kinh doanh phù hợp.

“Việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong Luật cũng khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống” - ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, Luật Giá hiện hành cũng đã quy định trường hợp cần điều chỉnh danh mục các mặt hàng bình ổn giá, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định (UBTVQH họp hằng tháng và có thể họp bất thường để kịp thời quyết định). Vì vậy, để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử, bảo đảm công khai, minh bạch về chính sách nhưng vẫn đáp ứng tính linh hoạt, kịp thời, đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành.

Bảo đảm tính thống nhất trong triển khai bình ổn giá

Liên quan đến tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định như Dự thảo Luật là chưa cụ thể, còn nặng về định tính, khó áp dụng trên thực tế; chưa làm rõ cơ quan nào có trách nhiệm đánh giá tác động. Vì vậy, Ban soạn thảo cần tính toán, lượng hóa tối đa để xác định thế nào là “ảnh hưởng toàn diện đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ” nhằm bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức thực hiện.

Tương tự, quy định về các trường hợp quyết định bình ổn giá trong Dự thảo Luật còn chung chung, chưa định lượng cụ thể. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị quy định cụ thể, lượng hóa tại Dự thảo Luật hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo căn cứ cho bình ổn giá, cho kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về danh mục, tiêu chí xác định danh mục, biện pháp, trách nhiệm trong bình ổn giá.

Về triển khai thực hiện bình ổn giá, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, việc các địa phương chủ động thực hiện bình ổn giá sẽ góp phần giữ giá cả ổn định. Tuy nhiên, Chính phủ cần kiểm soát để bảo đảm tính thống nhất về định hướng chính sách, không tạo sự bất bình đẳng đối với người tiêu dùng giữa các địa phương; không để lợi dụng sự khác biệt về giá cả giữa các địa phương để thu lợi bất chính./.

Theo: dự sự kiện
Copy Link
Cùng chuyên mục
Quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá