Tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội

(BKTO) - Chiều 02/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

ba5afe4bb24d74132d5c.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận chiều 02/11. Ảnh: VPQH

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị Dự thảo Nghị quyết, đồng thời cho rằng việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp với 31 nhóm vấn đề mới đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm đề ra, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tăng tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của Dự thảo Nghị quyết Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đồng thời đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể, đề xuất phương án nhằm hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng của Dự thảo

Nhất trí với mục tiêu, quan điểm sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, Dự thảo lần này đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo là bảo đảm tính đầy đủ của các quy trình, thủ tục để tiến hành kỳ họp Quốc hội, mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, khoa học hợp lý, hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế.

Đánh giá việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội vào thời điểm này là kịp thời, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) nhấn mạnh, nếu kỳ họp là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội, thì thảo luận là hoạt động trung tâm của kỳ họp.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hoạt động thảo luận của Quốc hội hiện nay phần nhiều là tham luận, cần đổi mới phương thức thảo luận của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu đề nghị cần định nghĩa rõ hai hình thức thảo luận là thảo luận ở tổ, ở đoàn, bởi lẽ đây là những bước để sàng lọc vấn đề để khi thảo luận tại hội trường, Quốc hội chỉ tập trung vào các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau.

“Khi làm được điều này, sẽ giúp tăng tính minh bạch, rạch ròi cho những vấn đề đã thống nhất khi thảo luận ở tổ, ở đoàn, để khi thảo luận tại hội trường sẽ hướng đến phân tích những vấn đề lớn, phức tạp hơn” - đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Nhấn mạnh việc đổi mới phương thức thảo luận sẽ nâng cao năng lực tranh luận, tranh biện của đại biểu Quốc hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đại biểu cũng đề nghị cần thay đổi phương thức thảo luận tại tổ, chuyển đổi mạnh mẽ từ tham luận sang tương tác, biện luận trực tiếp, cụ thể.

553c4733cb320d6c5423.jpg
Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị đổi mới phương thức thảo luận của Quốc hội. Ảnh: VPQH

Đồng quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, tại các phiên thảo toàn thể tại hội trường, nhất là các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, cách thảo luận như hiện nay sẽ có nhiều đại biểu Quốc hội được thảo luận và được lắng nghe ý kiến ở tất cả các Đoàn, đề cập được nhiều vấn đề cử tri quan tâm, nhưng lại quá dàn trải.

Đại biểu đề nghị nên có quy định đổi mới theo hướng sau khi thảo luận tại tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên chọn một số vấn đề lớn được đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận và còn nhiều quan điểm khác nhau để thảo luận ở hội trường, dành thời gian bàn thảo, tranh luận cho sáng tỏ; từ đó có thể đưa ra các quyết sách đúng tầm. Các vấn đề thảo luận cần thông báo trước cho đại biểu Quốc hội vài ngày để các đại biểu có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị và tiến hành thảo luận theo thứ tự ưu tiên.

Đồng tình các đại biểu Quốc hội đang nặng về tham luận hơn tranh luận, song đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, để hướng đến những thay đổi tích cực, cần có lộ trình, các văn bản quy định của pháp luật phải có hướng dẫn cụ thể, để đảm bảo làm tốt việc tổ chức thảo luận.

Theo đại biểu, cần có thay đổi trong khâu tổ chức, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công tác nhân sự, chuẩn bị kỹ từ khâu ứng cử đại biểu Quốc hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác đào tạo, tổ chức, để hoạt động của Quốc hội đạt được những kỳ vọng lớn đã đặt ra.

Quan tâm đến hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) kiến nghị, để nâng cao hiệu quả của phiên chất vấn, nhất là đối với việc thực hiện thí điểm các chính sách đặc thù của Quốc hội, thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia và các vấn đề mang tính quan trọng, chiến lược khác do Quốc hội quyết định… nên xem xét, sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Trong đó, đại biểu đề nghị mở rộng chủ thể được chất vấn là các cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương nơi trực tiếp thực hiện hoặc chịu tác động trực tiếp việc thực hiện nghị quyết.

Về lựa chọn nội dung chất vấn để tránh trùng lặp, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị Nội quy kỳ họp cần quy định một số nguyên tắc lựa chọn vấn đề chất vấn như: số lượng vấn đề chất vấn phải phù hợp với thời lượng dành cho một chức danh được chất vấn, các vấn đề lựa chọn chất vấn có mối liên quan hệ trực tiếp với nhau, những vấn đề bức xúc nhất hiện tại hoặc tồn đọng lâu dài không được giải quyết, những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm./.

Theo: dự sự kiện
Copy Link
Cùng chuyên mục
Tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội