Năm 2016 là năm thứ 5 liên tiếp Techcombank quyết định không chia cổ tức cho cổ đông để dành vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh.Ảnh: TK
Báo cáo trình ĐHĐCĐ cho thấy bức tranh lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong năm 2015 có sự cải thiện đáng kể so với năm trước. Cụ thể, mức lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng như sau: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt trên 7.944 tỷ đồng, dẫn đầu hệ thống; tiếp đến Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đạt 7.345 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt 6.828 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đạt 3.151 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đạt trên 2.000 tỷ đồng. Dễ nhận thấy, với thị phần rộng, quy mô hoạt động lớn, tiềm lực tài chính tốt, lợi nhuận của nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước cao hơn nhiều so với nhóm ngân hàng TMCP tư nhân.
Một trong những yếu tố góp phần giúp lợi nhuận ngân hàng năm 2015 cải thiện hơn là tín dụng. Năm 2015, nhiều ngân hàng vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (13-15%) mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra từ đầu năm. Đáng lưu ý, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao như Techcombank là 39%, BIDV và Vietcombank đạt trên 20%.
Bên cạnh đó, báo cáo trình ĐHĐCĐ cũng đã ghi nhận những nỗ lực của các ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Sự chỉ đạo quyết liệt từ phía NHNN cộng với việc triển khai các giải pháp cụ thể ở từng ngân hàng đã giúp giảm tỷ lệ nợ xấu đáng kể. Năm 2015, nợ xấu của các ngân hàng Vietinbank là 0,9%, MB là 1,62%, Techcombank là 1,67%, BIDV là 1,68%, Vietcombank là 1,84%... Kết quả này góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống về mức 2,5%, hoàn thành mục tiêu mà NHNN đặt ra từ đầu năm.
Nhìn chung, về tổng thể, bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2015 đã phần nào được cải thiện. TS. Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, trong khi đó lãi suất tiền gửi tương đối ổn định và các ngân hàng thương mại có thể quay vòng vốn ngắn hạn, điều này góp phần giúp ngân hàng đạt được lợi nhuận.
Băn khoăn giữa lợi nhuận và cổ tức
Lợi nhuận tăng là điều mà nhà đầu tư nào cũng mong muốn khi đổ vốn vào ngân hàng. Thế nhưng, điều khiến các cổ đông băn khoăn là vì sao lợi nhuận tăng nhưng họ lại không được chia cổ tức hoặc được chia không như mong đợi?
Tại ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) ngày 28/4, các cổ đông đã gửi tới ban lãnh đạo câu hỏi “Tại sao 3 năm nay chúng tôi không được chia cổ tức?”. Câu trả lời của Ban lãnh đạo Maritime Bank là: Toàn bộ lợi nhuận chưa chia của nhiều năm giữ lại là hơn 900 tỷ. Cổ tức có thể chia được nhưng cần giữ lại để nâng cao năng lực tài chính ngân hàng. Trước đó, tại ĐHĐCĐ ngày 23/4, Techcombank cũng đã quyết định không chia cổ tức cho cổ đông để dành vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Đây là năm thứ 5 liên tiếp Techcombank thực hiện quyết định này.
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, đối với những ngân hàng lợi nhuận chưa thực sự cao hoặc hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, việc giữ lại cổ tức để đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính cũng là phù hợp. Tuy nhiên, có những ngân hàng công bố con số lợi nhuận khá cao như BIDV thì tại ĐHĐCĐ ngày 24/4 vừa qua, Ngân hàng này không những giảm chia cổ tức như dự kiến ban đầu từ 9% xuống 8,5% mà còn quyết định trả cổ tức bằng cổ phiếu chứ không phải bằng tiền mặt. Lý do được Ban lãnh đạo BIDV đưa ra: Sau khi sáp nhập với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB), số lượng cổ phần BIDV tăng lên, do đó việc giữ cổ tức như kế hoạch ban đầu là khó. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng là thực hiện chỉ đạo của NHNN và ngân hàng sẽ dùng nguồn lực đó để để tiếp tục tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính.
Rõ ràng, lợi nhuận của không ít ngân hàng theo báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2015 đã tăng lên đáng kể nhưng việc chia cổ tức thì lại chưa được như mong muốn của các cổ đông. Từ thực tế này, dư luận đã bày tỏ sự hoài nghi: Lợi nhuận ngân hàng có thực sự bền vững như các báo cáo mà các Ban lãnh đạo đã trình ĐHĐCĐ? Có hay không việc một số ngân hàng đã dùng biện pháp kỹ thuật để làm đẹp sổ sách? Liệu có đúng như nhận định của TS. Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng thuộc Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Có thể các ngân hàng đang tổ chức ĐHĐCĐ, họ muốn một báo cáo tài chính đẹp để thu hút các nhà đầu tư.”
THÀNH ĐỨC