
Chương trình SEA-PLM diễn ra 5 năm một lần. Việt Nam lần đầu tham gia SEA-PLM vào chu kỳ 2019. Chu kỳ này được khởi động từ năm 2012-2015 và triển khai hoạt động từ năm 2016-2020, với khảo sát thử nghiệm năm 2018 và khảo sát chính thức năm 2019. SEA-PLM được xây dựng với sự tham vấn và phối hợp giữa các quốc gia Đông Nam Á thông qua Ban Chỉ đạo khu vực và Ban Thư ký Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO).
Kết quả khu vực và dữ liệu so sánh của chu kỳ 2019 được công bố tháng 12/2020, bao gồm 6 quốc gia: Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu cả 3 lĩnh vực khảo sát: Toán: 341,55 điểm (trung bình khu vực là 304,79); Đọc hiểu: 336,46 điểm (trung bình khu vực là 300); Viết: 328,01 điểm (trung bình khu vực là 304,92).
Việt Nam đã triển khai thành công kỳ khảo sát thử nghiệm năm 2023 tại 30 cơ sở giáo dục tiểu học thuộc 9 tỉnh, thành phố và kỳ khảo sát chính thức năm 2024 tại 152 cơ sở giáo dục tiểu học thuộc 53 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Chương trình SEA-PLM chu kỳ 2024 có 7 quốc gia tham gia gồm: Campuchia, Đông Timor, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Trong đó, học sinh Việt Nam tiếp tục nằm trong top đầu cả 3 lĩnh vực: Toán, Đọc hiểu và Viết.
Kết quả SEA-PLM chu kỳ 2019 và 2024 của học sinh Việt Nam cho thấy sự tương đồng rõ rệt với kết quả Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA), dành cho học sinh ở lứa tuổi 15. Trong kỳ PISA 2022, điểm trung bình 3 môn của học sinh Việt Nam xếp thứ 2 khu vực ASEAN, sau Singapore. Đặc biệt, học sinh Việt Nam có điểm Toán thuộc nhóm cao nhất chỉ sau Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc khi tính theo chỉ số PISA về điều kiện kinh tế - xã hội.
Với kết quả đạt được, các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục tại Việt Nam có thêm thông tin tham khảo kinh nghiệm quốc tế cải thiện chất lượng giáo dục, chuẩn bị tốt cho học sinh trước những thách thức của cuộc sống thực tế và thành công trong tương lai./.
SEA-PLM là chương trình được thực hiện theo sáng kiến của SEAMEO, Văn phòng khu vực Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Văn phòng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (UNICEF EAPRO). Trọng tâm chính của Chương trình là hỗ trợ các quốc gia thành viên xây dựng các hệ thống đánh giá học tập hiệu quả, cho phép các quốc gia theo dõi kết quả học tập của học sinh và xây dựng chính sách cải tiến, từ đó góp phần mang lại nền giáo dục công bằng và có ý nghĩa hơn cho tất cả trẻ em trong khu vực.