Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Kiểm toán Trần Sỹ Thanh cho biết, mục đích chính của Hội nghị là để KTNN giới thiệu với các đối tác phát triển và các cơ quan hữu quan về những nội dung chính trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, cũng như định hướng những hoạt động theo thứ tự ưu tiên mà KTNN sẽ triển khai nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược.
Trong 10 năm vừa qua, KTNN đã tham gia thực chất vào các hoạt động chung của cộng đồng kiểm toán công khu vực và quốc tế với tư cách là một Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) thành viên tích cực và trách nhiệm. KTNN là thành viên sáng lập của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) năm 2011 và liên tục đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược của ASEANSAI từ đó đến nay. KTNN đã đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021 và tiếp tục là thành viên Ban Điều hành ASOSAI đến năm 2024…
Những kết quả tích cực này đã tạo tiền đề quan trọng và cơ sở vững chắc để KTNN triển khai thực hiện Chiến lược. Trong 7 lĩnh vực chiến lược chính, KTNN mong muốn các đối tác ưu tiên hợp tác, phối hợp cùng KTNN thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng kiểm toán.
Về phát triển nguồn nhân lực, KTNN mong muốn hợp tác với các bên trên cơ sở: tổ chức các khóa đào tạo, khảo sát, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các SAI có thế mạnh trong các lĩnh vực kiểm toán mới như: công nghệ thông tin, môi trường, biến đổi khí hậu, quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, các lĩnh vực mới nổi như: kiểm toán việc ứng phó với đại dịch, các mục tiêu phát triển bền vững, kiểm toán đánh giá chính sách tiền tệ đảm bảo nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững…
Để nâng cao chất lượng kiểm toán, với định hướng chuyển đổi từ kiểm toán truyền thống sang kiểm toán từ xa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, KTNN mong muốn hợp tác với các bên liên quan trong việc thuê chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn thiết kế tổng thể hệ thống cấu trúc công nghệ thông tin; tư vấn xây dựng cũng như hỗ trợ các phần mềm ứng dụng trong hoạt động kiểm toán; đồng thời, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống chuẩn mực phù hợp với các nội dung cập nhật trong Khung các tuyên bố chuyên môn của Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI); xây dựng các hướng dẫn kiểm toán trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực mới.
KTNN cam kết sẽ dành ưu tiên cao nhất trong quá trình hợp tác với các đối tác phát triển để thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 phù hợp với chính sách và ưu tiên hoạt động của các tổ chức tại Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Chính sách Hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) khu vực Đông Nam Á lục địa Nguyễn Mai Chi đánh giá cao khi KTNN Việt Nam đã và đang trở thành thành viên tích cực, trách nhiệm của cộng đồng kiểm toán công trong khu vực và trên thế giới, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của ngành nghề kiểm toán toàn cầu. Vai trò của KTNN Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn; góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, an toàn, bền vững và đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt trong điều kiện đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn. Để hỗ trợ các SAI nói chung và KTNN Việt Nam nói riêng, ACCA đã công bố bộ tài liệu hỗ trợ hoạt động kiểm toán hậu Covid, đồng thời công bố báo cáo đề ra các giải pháp thực tiễn và một số kế hoạch hành động giúp mối quan hệ hợp tác giữa ACCA và KTNN Việt Nam ngày càng hiệu quả hơn.
Thể hiện cam kết tiếp tục đồng hành với KTNN trong thời gian tới, ACCA đề xuất kế hoạch hợp tác chiến lược, tập trung vào hai trụ cột được KTNN ưu tiên và ACCA có kinh nghiệm phù hợp: Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng kiểm toán. Theo đó, ACCA sẽ tiếp tục hỗ trợ cập nhật tài liệu, chương trình đào tạo và bài thi mẫu theo chuẩn quốc tế; tiếp tục đóng góp vào việc hoàn thiện và thực hiện chiến lược bồi dưỡng nguồn nhân lực, đào tạo Chứng chỉ quốc tế hướng tới trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, kiểm toán viên nhà nước...
Ông Serdar Yilmaz – Quyền Giám đốc phụ trách Ban quản trị khu vực châu Á – Thái Bình Dương tham luận trực tuyến |
Ông Serdar Yilmaz – Quyền Giám đốc phụ trách Ban quản trị khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tham luận tại hội nghị theo hình thức trực tuyến từ đầu cầu Thái Lan. Theo ông Serdar Yilmaz, trong những năm qua, cơ quan này đã cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật giúp KTNN Việt Nam xây dựng các chuẩn mực kiểm toán dựa trên các chuẩn mực kiểm toán quốc tế, đồng thời hỗ trợ KTNN xây dựng kế hoạch hành động để triển khai các chiến lược phát triển, hỗ trợ KTNN Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASOSAI… Đồng thời mong muốn tiếp tục được hỗ trợ Chiến lược phát triển của KTNN Việt Nam đến năm 2030.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk |
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk đánh giá cao vai trò của KTNN Việt Nam trong việc thực hiện các dự án của Ngân hàng Thế giới, đồng thời khẳng định uy tín, năng lực của KTNN sẽ ngày càng được nâng cao trong thời gian tới khi KTNN đồng ý tham gia vào các dự án trong danh mục dự kiến của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Bà Carolyn Turk cho biết, Ngân hàng Thế giới có nhiều nguồn lực và luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ KTNN Việt Nam trong các hoạt động chuyên môn cũng như hỗ trợ KTNN Việt Nam hoàn thành kế hoạch chiến lược về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng kiểm toán…./.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
THANH XUYÊN