Hội thề Trung hiếu được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(BKTO) - Tại kỷ niệm 995 năm Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định ghi danh "Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

a.jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã trao Quyết định ghi danh “Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Ban tổ chức

Theo Chủ tịch UBND Quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, đền Đồng Cổ là một trong những di tích mang giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc đặc sắc, độc đáo, gắn liền với truyền thống yêu nước của dân tộc tại quận Tây Hồ và của Thủ đô. Ngôi đền được xây dựng năm 1028, thời Lý, tại làng Đông Xã, hiện nay là số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Đền thờ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia năm 1992.

Kể từ năm 1028, khi Vua Lý Thái Tông cho dựng đàn thề, khởi xướng lễ thề với mục đích răn dạy các quần thần, tướng sĩ và con dân trong thiên hạ, Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ cùng Lễ hội cung đình đèn Quảng Chiếu là hai lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất của Kinh thành Thăng Long trong triều đại nhà Lý.

Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ đề cao sự trong sạch của người làm quan. Sau 995 năm, Lễ hội đã và đang được duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng địa phương. Trong ngày hội, bách quan văn võ đến đền, đến trước đàn, quỳ trước thần vị và đọc lời thề trước thần Trống Đồng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”.

Trải qua các triều đại trong lịch sử, đến nay, Hội thề vẫn được duy trì, tiếp nối. Vào mùng 4 tháng Tư âm lịch hằng năm, chính quyền và nhân dân làng Đông Xã, phường Bưởi, quận Tây Hồ lại nô nức mở hội.

Năm nay, lễ hội được tổ chức vào các ngày 21- 22/5 (tức ngày 3 và 4/4 âm lịch) với các nghi lễ như: Rước Thành hoàng làng từ đình Đông Xã sang đền Đồng Cổ; nghi lễ rước Thánh, dâng lễ của các dòng họ… đặc biệt là chính quyền và nhân dân địa phương tái hiện lễ thề theo nghi thức truyền thống.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã trao Quyết định ghi danh “Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện chính quyền, nhân dân quận Tây Hồ và phường Bưởi. 

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để được xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ. 

Việc được ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ giúp di sản được bảo vệ tốt hơn, đồng thời các cơ quan chức năng sẽ chú trọng vào các giải pháp để phát huy giá trị của di sản, lan tỏa sâu rộng giá trị của di sản trong đời sống văn hóa, tinh thần, cũng như giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Cùng chuyên mục
  • Thu nhập và đời sống dân cư dần cải thiện sau đại dịch
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá, mặc dù chi tiêu bình quân đầu người năm 2022 giảm nhưng thu nhập bình quân đầu người có xu hướng tăng so với năm trước, đánh dấu sự phục hồi của đời sống hộ gia đình sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa khu vực thành thị - nông thôn, giữa các vùng và giữa nhóm người giàu - nghèo…
  • Ra mắt Câu lạc bộ Doanh nhân HUBT: Kết nối doanh nhân và sinh viên
    một năm trước Xã hội
    Ngày 19/5, Trung tâm Khảo sát Thông tin việc làm và Đào tạo khởi nghiệp, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân HUBT.
  • Trưng bày chuyên đề “Gốm cổ Bát Tràng”
    một năm trước Xã hội
    Ngày 18/5, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Gốm cổ Bát Tràng”, nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023) và ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5.
  • Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”
    một năm trước Xã hội
    Nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023) và 2 năm thực hiện Kết luận số 01- KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ngày 17/5, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” năm thứ 11.
  • Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng
    một năm trước Xã hội
    Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, nhiều bảo tàng tổ chức các hoạt động đa dạng dành cho công chúng, để tìm hiểu, tôn vinh và phát huy giá trị của những di sản được lưu giữ tại bảo tàng; đồng thời qua đó để tăng thêm sự hiểu biết của công chúng về những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc.
Hội thề Trung hiếu được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia