Thu nhập và đời sống dân cư dần cải thiện sau đại dịch

(BKTO) - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá, mặc dù chi tiêu bình quân đầu người năm 2022 giảm nhưng thu nhập bình quân đầu người có xu hướng tăng so với năm trước, đánh dấu sự phục hồi của đời sống hộ gia đình sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa khu vực thành thị - nông thôn, giữa các vùng và giữa nhóm người giàu - nghèo…

xh.jpg
Mức sống dân cư năm 2022: có sự chênh lệch thu nhập lớn giữa các nhóm người, khu vực trên cả nước. Ảnh minh họa

Chênh lệch thu nhập lớn giữa các nhóm người, khu vực

Qua khảo sát mức sống dân cư năm 2022 - năm đầu tiên áp dụng chuẩn nghèo đa chiều với chuẩn nghèo thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản tương ứng với 12 chỉ số đo lường, kết quả được Tổng cục Thống kê xác nhận là toàn quốc có 4,3% hộ nghèo đa chiều.

Trong đó, vùng trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, chiếm 12,1%. Còn vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất, tương ứng là 0,7% và 0,9%.

Bà Nguyễn Thị Hương nhận định, năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và bắt đầu phục hồi vào 6 tháng cuối năm. Sau 2 năm liên tiếp thu nhập bình quân đầu người giảm, xu hướng tăng đã quay trở lại như các năm 2019 trở về trước.

Điều đáng mừng là thu nhập tăng đều ở cả thành thị và nông thôn với kết quả ở khu vực thành thị đạt gần 5,95 triệu đồng/người/tháng, tăng 10,4 điểm % so với năm 2021 và ở khu vực nông thôn là 3,86 triệu đồng/người/tháng, tăng 10,8 điểm %.

Như vậy, thu nhập bình quân đầu người/tháng theo giá hiện hành đạt 4,67 triệu đồng, tăng 11,1 điểm % so với năm 2021.

Nếu theo phân chia vùng thì Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân cao nhất, đạt 6,33 triệu đồng/người/tháng; còn vùng có thu nhập bình quân thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc với 3,17 triệu đồng/người/tháng.

Nếu xét theo nhóm hộ giàu - nghèo thì nhóm gồm 20% dân số giàu nhất (nhóm 5) có thu nhập bình quân đạt 10,23 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 7,6 lần so với nhóm hộ gồm 20% dân số nghèo nhất (nhóm 1).

Người dân thành thị và nhóm người giàu cắt giảm chi tiêu

Trong đời sống dân cư, tỷ trọng các khoản thu từ tiền lương, tiền công năm 2022 có giảm nhẹ (1,5%) so với năm trước nhưng vẫn duy trì ở mức cao (55,2%). Điều này cho thấy rằng, sau đại dịch, nhiều hoạt động có sự phục hồi nhanh chóng - lãnh đạo Tổng cục Thống kê chia sẻ.

Cụ thể, thu nhập bình quân từ tiền lương, tiền công đạt 2,6 triệu đồng/người/tháng (tăng 8,2 điểm % so với năm 2021).

Đặc biệt, cơ cấu thu nhập đang chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ hơn khi tỷ trọng các khoản thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng ngày cảng giảm, từ 20,1% năm 2010 xuống 10,8% năm 2021 và còn 10,1% năm 2022.

Ngược lại, tỷ trọng các khoản thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng, năm 2022 chiếm 34,7% so với năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 33,4%, 33,3% và 32,5%.

Điều này chứng tỏ các hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản có sự phục hồi nhanh chóng.

Mặc dù ghi nhận nhiều cải thiện tích cực đối với đời sống dân cư, tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, thay đổi hành vi tiêu dùng do những tác động của đại dịch, cũng như sự gia tăng của giá cả hàng hóa.

Kết quả khảo sát cho thấy, chi tiêu bình quân của cư dân cả nước chỉ xấp xỉ 2,8 triệu đồng/người/tháng, giảm 3,3 điểm % so với năm 2020.

Có thể thấy, dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều hộ gia đình ở khu vực thành thị đã phải cắt giảm chi tiêu, với chi tiêu bình quân 3,3 triệu đồng/người/tháng, giảm tới 13,6 điểm % so với năm 2020.

Tuy nhiên, chi tiêu bình quân của các hộ ở khu vực nông thôn lại tăng 4,7 điểm % với gần 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy, với thu nhập bình quân có mức tăng khá tương đồng như đã đề cập ở trên thì “khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp chủ yếu do giảm chi tiêu của người dân sống ở thành thị” - các chuyên gia thống kê bình luận.

Trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình, chi đời sống vẫn chiếm tỷ lệ cao với con số bình quân là 2,7 triệu đồng/người/tháng, chiếm tới 95,5% tổng chi tiêu của hộ gia đình.

Trong đó, chi cho ăn uống khoảng 1,3 triệu đồng/người/tháng và chi cho các khoản không phải ăn uống là 1,4 triệu đồng/người/tháng.

Sự bất bình đẳng trong chi tiêu đời sống quan sát được giữa nhóm giàu nhất (nhóm 5) và nhóm nghèo nhất (nhóm 1) là 3,2 lần năm 2022, với chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm 5 là gần 4,1 triệu đồng so với gần 1,3 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm 1.

Vì thế, điểm nổi bật tiếp tục được ghi nhận là chênh lệch giữa 2 nhóm giàu nhất và nghèo nhất có phần được cải thiện so với năm 2020, trong đó chủ yếu là do chi tiêu đời sống của nhóm giàu nhất giảm mạnh (từ 5,7 triệu năm 2020 giảm còn 4,1 triệu năm 2022) - các chuyên gia thống kê chỉ rõ.

Xét riêng về 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, các hộ gia đình Việt Nam bị thiếu hụt nhiều nhất về việc làm (39,8%), trình độ giáo dục người lớn (33,6%), dinh dưỡng (24,1%) và bảo hiểm y tế (22,4%). Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (GINI) của Việt Nam là 0,375 - giữ ổn định so với 2 năm trước và vẫn giữ ở mức bất bình đẳng trung bình.

Cùng chuyên mục
  • Ra mắt Câu lạc bộ Doanh nhân HUBT: Kết nối doanh nhân và sinh viên
    một năm trước Xã hội
    Ngày 19/5, Trung tâm Khảo sát Thông tin việc làm và Đào tạo khởi nghiệp, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân HUBT.
  • Trưng bày chuyên đề “Gốm cổ Bát Tràng”
    một năm trước Xã hội
    Ngày 18/5, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Gốm cổ Bát Tràng”, nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023) và ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5.
  • Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”
    một năm trước Xã hội
    Nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023) và 2 năm thực hiện Kết luận số 01- KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ngày 17/5, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” năm thứ 11.
  • Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng
    một năm trước Xã hội
    Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, nhiều bảo tàng tổ chức các hoạt động đa dạng dành cho công chúng, để tìm hiểu, tôn vinh và phát huy giá trị của những di sản được lưu giữ tại bảo tàng; đồng thời qua đó để tăng thêm sự hiểu biết của công chúng về những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc.
  • Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 515/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 (Chương trình).
Thu nhập và đời sống dân cư dần cải thiện sau đại dịch