Năm 2023, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa đã hoàn thành 9 quyết định xuất kho, giao nhận hơn 5.209 tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở 5 huyện (Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Như Xuân và Lang Chánh) thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng, trong đó người dân của huyện Mường Lát được nhận 6 đợt với hơn 1.952 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia.
Cục DTNN khu vực Bắc Thái đã xuất cấp gần 584 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ nhân dân 7 huyện của tỉnh Bắc Kạn gồm: Pắc Nặm, Ngân Sơn, Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới và Na Rì thực hiện công tác này.
Cũng trong năm 2023, Cục DTNN khu vực Hà Bắc đã xuất cấp gần 668 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân ở 2 tỉnh (Bắc Cạn là 560.730 kg gạo; Bắc Giang là 107.230 kg gạo) thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.
Từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã phê duyệt hàng trăm nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các hộ nghèo thuộc xã khu vực II, khu vực III tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ thay thế nương rẫy trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực; hộ nghèo thuộc huyện thực hiện Chương trình 30a nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, được giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất; đồng bào dân tộc thiểu số đang cư trú hợp pháp tại địa phương tự nguyện trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy. Mức trợ cấp 15 kg gạo/khẩu/tháng, tối đa không quá 7 năm.
Việc hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia giải quyết ngay được tình trạng thiếu lương thực, bảo đảm ổn định đời sống và giúp người dân vùng sâu, vùng xa yên tâm sản xuất.
Qua đó, thu hút được các hộ tham gia sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm việc làm, thu nhập, từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào, góp phần xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng di dân, di cư bất hợp pháp, bảo đảm an sinh xã hội; giảm bớt áp lực do người dân phá rừng lấy đất sản xuất.
Việc người dân tham gia trồng và giữ rừng đã góp phần nâng độ che phủ rừng, phát huy chức năng phòng hộ rừng đầu nguồn, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất và duy trì được nguồn nước phục vụ sinh hoạt.../.