Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Nhằm nâng cao vị thế của tỉnh, thời gian qua, Hưng Yên luôn nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển.
UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách, danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; nâng cao hiệu quả quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Ngoài ra, tỉnh cũng không ngừng đưa ra các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững...
Thực tế cho thấy, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây. Năm 2023, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh đứng ở thứ 12/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc và tăng 1,18 điểm so với năm 2022). Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) đứng ở vị trí 4/63 tỉnh, thành phố (tăng 10 bậc và 8,82 điểm so với năm 2022). Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh xếp vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số Đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) xếp vị trí thứ 12/63 tỉnh, thành phố.
Doanh nghiệp, nhà đầu tư là một lực lượng quan trọng cùng với chính quyền thực hiện mục tiêu xây dựng Hưng Yên thực sự trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, giàu đẹp, văn minh. Vì thế, chúng tôi cam kết sẽ làm tất cả những gì pháp luật cho phép để đem lại sự thành công cho doanh nghiệp với triết lý sự thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư là sự thịnh vượng của chúng tôi
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa
Ông Trịnh Văn Diễn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên cho biết, dựa vào những lợi thế sẵn có về vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng giao thông, lưới điện, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại; nguồn lao động trẻ và dồi dào…, tỉnh đã xây dựng và ban hành một số nội dung quan trọng về chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh việc tập trung xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, với sự thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, tỉnh đặt mục tiêu thu hút các tập đoàn lớn có năng lực tài chính, thương hiệu, sức lan tỏa mạnh và bảo vệ môi trường cho người dân.
Nhằm khai thác cơ hội thu hút vốn FDI, ông Trần Quốc Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định, tỉnh sẽ tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, minh bạch, thân thiện, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
“Thỏi nam châm” hút vốn FDI
Với chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, Hưng Yên hiện đang trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và liên tục, với điểm nhấn quan trọng là sức hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có 32 dự án FDI đăng ký đầu tư mới với số vốn đầu tư đăng ký gần 510 triệu USD. Hiện có 578 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký trên 7,5 tỷ USD trên địa bàn tỉnh. Các quốc gia có nhiều dự án và vốn đầu tư lớn là Nhật Bản có 176 dự án, với vốn đăng ký là 3,8 tỷ USD, chiếm 50,98% tổng vốn đăng ký; Hàn Quốc có 154 dự án, với vốn đăng ký trên 900 triệu USD, chiếm 11,88% tổng vốn đăng ký; Trung Quốc có 151 dự án, với vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, chiếm 15,52% tổng số vốn đăng ký...
Mới đây, Hưng Yên cũng đón thêm 760 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài và 10.000 tỷ đồng vốn trong nước.
Ông Vũ Quốc Nghị - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng với 17 khu công nghiệp, diện tích hơn 4.300 ha. Trong đó có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư. Với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và vị trí đắc địa, các khu công nghiệp có lợi thế và sức hấp dẫn lớn trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư FDI.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vừa qua, đã có 23 doanh nghiệp được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các dự án FDI đăng ký đầu tư vào Hưng Yên lần này, chủ yếu đến từ Singapore, Nhật Bản... như: Dự án của Công ty cổ phần Hưng Yên Alpha Logistics Park (Singapore), tổng vốn đăng ký hơn 114 triệu USD; Dự án sản xuất tem nhãn RFID (sử dụng sóng vô tuyến để đọc và thu thập thông tin được lưu trữ trên thẻ gắn với vật thể), hơn 67 triệu USD; Dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng, nhà kho, văn phòng và các công trình phụ trợ hiện đại, tiêu chuẩn chất lượng cao để cho thuê của nhà đầu tư Singapore với 77 triệu USD; Dự án sản xuất, chế biến thực phẩm của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam với số vốn đăng ký là 87,7 triệu USD...
Sau khi khảo sát tại hơn 20 quốc gia, ông Ho Yi-Da, Chủ tịch Công ty TNHH Arizon (Việt Nam) cho biết, công ty đã lựa chọn khu công nghiệp số 05 của tỉnh Hưng Yên để xây dựng nhà máy sản xuất. Với vị trí địa lý đắc địa, thái độ tích cực, tầm nhìn và sự ủng hộ đối với ngành bán dẫn của lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch Công ty TNHH Arizon khẳng định sẽ cùng các đối tác xây dựng Hưng Yên trở thành trung tâm chiến lược trọng yếu về nhãn RFID trên thế giới.
Đây chính là minh chứng rõ nét về sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên trong công tác xúc tiến đầu tư, chỉ đạo quyết liệt trong cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh, qua đó, tạo dựng được niềm tin của các nhà đầu tư khi đến với Hưng Yên./.