Hướng dẫn ôn tập, giải đáp Kỳ thi chuyển ngạch Kiểm toán viên nhà nước năm 2022

(BKTO) - Sáng 22/3, tại Hà Nội, Hội đồng thi chuyển ngạch Kiểm toán viên nhà nước năm 2022 đã tổ chức buổi Hướng dẫn ôn tập, giải đáp về Kỳ thi cho các thí sinh.

1.jpg
Quang cảnh buổi Hướng dẫn ôn tập, giải đáp Kỳ thi chuyển ngạch Kiểm toán viên nhà nước năm 2022.
Ảnh: HỒNG NHUNG

Thay mặt Hội đồng thi chuyển ngạch Kiểm toán viên nhà nước, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ KTNN - bà Đoàn Thị Thanh Mai - cho biết, Lễ Khai mạc và Kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày Thứ Bảy (ngày 25/3/2023) tại Trụ sở KTNN (số 116 Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội). Hình thức thi: Thi viết và thi trắc nghiệm.

Kỳ thi gồm 68 công chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi chuyển ngạch từ ngạch Chuyên viên và tương đương sang ngạch Kiểm toán viên; 8 công chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi chuyển ngạch từ ngạch Chuyên viên chính và tương đương sang ngạch Kiểm toán viên chính.

2.jpg
Ông Ngô Minh Kiểm - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII, thành viên Hội đồng - chia sẻ kinh nghiệm,  giải đáp thắc mắc về Kỳ thi nói chung và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ nói riêng. Ảnh: HỒNG NHUNG

Chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc về Kỳ thi nói chung và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ nói riêng, ông Ngô Minh Kiểm - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII, thành viên Hội đồng - cho hay, thi chuyển ngạch Kiểm toán viên chính sẽ bao gồm thi viết 120 phút (70 điểm) và thi trắc nghiệm 30 phút (30 điểm).

Trong đó, nội dung thi viết yêu cầu nắm vững, hiểu và phân tích các vấn đề, nội dung kiến thức, chuẩn mực KTNN, các quy định, quy trình kiểm toán của KTNN theo các giai đoạn kiểm toán.

Bên cạnh đó, thí sinh cần nắm vững, hiểu và phân tích các vấn đề, nội dung kiến thức, chuẩn mực KTNN, các quy định về: Chất lượng kiểm toán, đảm bảo chất lượng kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp, vấn đề tổ chức, quản lý hoạt động kiểm toán, đoàn kiểm toán (theo Chuẩn mực KTNN, Quy chế tổ chức hoạt động kiểm toán…).

Đặc biệt, thí sinh cần vận dụng các kiến thức, chuẩn mực KTNN, quy trình, quy chế theo các giai đoạn của quá trình kiểm toán vào từng lĩnh vực kiểm toán (ngân sách Bộ, ngành, ngân sách địa phương, dự án đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức tài chính ngân hàng, chuyên đề, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước…); liên hệ thực tế (đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán).

Nội dung thi trắc nghiệm: Hiểu biết về Hệ thống Chuẩn mực KTNN ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN ngày 15/7/2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Đối với thi chuyển ngạch Kiểm toán viên, ông Ngô Minh Kiểm nêu rõ: phần thi sẽ bao gồm 2 nội dung:

Thứ nhất, phần kiến thức chung sẽ thi trắc nghiệm 60 phút. Nội dung thi gồm kiến thức chung về hành chính nhà nước và KTNN.

Thứ hai, phần chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán gồm thi viết 120 phút (70 điểm) và thi trắc nghiệm 30 phút (30 điểm).

Nội dung thi viết bao gồm các kiến thức về: Kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động, kỹ năng lập kế hoạch kiểm toán của tổ kiểm toán, kỹ năng lập biên bản kiểm toán của tổ kiểm toán.

Nội dung thi trắc nghiệm: Hiểu biết về Hệ thống Chuẩn mực KTNN ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN ngày 15/7/2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Từ thực tiễn kinh nghiệm kiểm toán, ông Kiểm lưu ý các thí sinh tập trung nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu bồi dưỡng kiểm toán viên cấp độ 1, 2; Hệ thống Chuẩn mực KTNN; cập nhật các quy định, mẫu biểu hồ sơ mà KTNN mới ban hành.

Ông Kiểm cũng đặc biệt lưu ý các thí sinh đọc kỹ đề để trả lời cho trúng, trình bày thêm một vài dòng khái niệm, trình bày các nội dung theo đúng yêu cầu, cũng như đảm bảo cân đối thời gian làm bài giữa các câu để bài thi đạt kết quả tốt nhất.

3.jpg
Ông Vũ Thanh Hải - Thành viên Hội đồng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV - hướng dẫn ôn tập, giải đáp thắc mắc về phần kiến thức chung. Ảnh: HỒNG NHUNG

Tại buổi Hướng dẫn, thành viên Hội đồng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV - ông Vũ Thanh Hải - cũng đã hướng dẫn ôn tập, giải đáp thắc mắc về phần kiến thức chung.

Theo ông Vũ Thanh Hải, đối với kiến thức chung về hành chính nhà nước, thí sinh cần tìm hiểu các kiến thức về bộ máy nhà nước, công vụ, công chức. Với kiến thức chung về KTNN, thí sinh cần nắm vững kiến thức về: Sự ra đời và phát triển của KTNN, hệ thống tổ chức của KTNN, những vấn đề cơ bản về kiểm toán viên, những vấn đề cơ bản về hoạt động kiểm toán của KTNN.

Trên cơ sở đó, ông Hải cũng lưu ý thí sinh nghiên cứu chương trình, tài liệu bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên; Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; các Luật hiện hành về cán bộ, công chức; Luật KTNN hiện hành; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trực thuộc KTNN; cập nhật các quy định chung mới nhất của Ngành về hoạt động kiểm toán…/.

Cùng chuyên mục
Hướng dẫn ôn tập, giải đáp Kỳ thi chuyển ngạch Kiểm toán viên nhà nước năm 2022