Quyết tâm giải quyết các thách thức trong kiểm toán môi trường

Trong bối cảnh Kiểm toán nhà nước (KTNN) hướng tới đẩy mạnh thực hiện các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thực tiễn cuộc sống, thực hiện kiểm toán môi trường (KTMT) - lĩnh vực kiểm toán còn nhiều mới mẻ sẽ đặt ra thách thức cho hoạt động kiểm toán. Song các đơn vị kiểm toán đều nêu cao quyết tâm và khẳng định sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

6-.jpg
Các đơn vị kiểm toán cần nêu cao quyết tâm trong thực hiện KTMT. Ảnh tư liệu

Kiểm toán môi trường là xu thế tất yếu

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, cũng như tác động xấu của hoạt động sản xuất đến môi trường, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quản lý, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường. Trong bối cảnh đó, KTNN - công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công cần tích cực đưa ra những đánh giá, kiến nghị có giá trị, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với vấn đề môi trường.

Nhận thức được tầm quan trọng trong vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, những năm qua, lãnh đạo KTNN đã rất quan tâm và coi kiểm toán lĩnh vực này là một trong các hoạt động ưu tiên của KTNN. Theo đó, KTNN đã thành lập Nhóm công tác về KTMT từ năm 2008; cử các thành viên trong nhóm tham gia các cuộc họp Nhóm công tác về KTMT của tổ chức kiểm toán quốc tế, khu vực. “KTMT được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030” - lãnh đạo KTNN chuyên ngành III nói và cho biết thêm, để tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm toán, KTNN đã xây dựng tài liệu, cẩm nang hướng dẫn về KTMT và không ngừng hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về lĩnh vực này để áp dụng cho hoạt động KTMT.

Thông tin về hoạt động KTMT, Phòng KTMT (KTNN chuyên ngành III) cho biết, trên cơ sở những tồn tại, bất cập được phát hiện qua kiểm toán, KTNN đã đưa ra kiến nghị cụ thể đối với các đơn vị được kiểm toán và kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và địa phương. “Các kết luận, kiến nghị kiểm toán về môi trường đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý môi trường, cũng như nhận thức của các cấp, ngành chức năng về vấn đề môi trường và KTMT" - Phòng KTMT cho biết.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới khác, việc thực hiện KTMT tại các đơn vị luôn đặt ra những thách thức nhất định. Nêu cụ thể về vấn đề này, Phòng KTMT cho biết, khó khăn lớn nhất là nguồn nhân lực kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với lĩnh vực kiểm toán này; các quy định về hoạt động KTMT đã được ban hành và từng bước được hoàn thiện, song do đặc trưng lĩnh vực môi trường rộng, tính chất các vụ việc về môi trường thay đổi nhanh, khó có tiêu chí xác định dẫn đến văn bản có sửa đổi cũng chưa thể theo kịp tình hình thực tiễn.

Theo Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2023-2025, KTNN đặt mục tiêu KTMT, chuyên đề, hoạt động, công nghệ thông tin chiếm khoảng 27% tổng số cuộc kiểm toán năm 2024 và 30% tổng số cuộc kiểm toán năm của 2025. Các đơn vị có phòng KTMT phấn đấu hằng năm mỗi đơn vị triển khai 2 cuộc KTMT chuyên sâu. 

Đồng quan điểm, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Lại Xuân Nghị cho biết, do điều kiện về nguồn lực không cho phép, nên các cuộc KTMT vẫn chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, còn ít cuộc KTMT mang tính chất kiểm toán hoạt động hoặc được thực hiện một cách độc lập, chuyên sâu nên kết quả kiểm toán chưa đạt được như kỳ vọng.

Nêu cao quyết tâm kiểm toán

Trong bối cảnh mới với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao từ thực tiễn quản lý nhà nước, hoạt động KTMT cần được tiếp tục đẩy mạnh đổi mới theo hướng chuyên sâu hơn; trước hết, các đơn vị kiểm toán cần lan tỏa tinh thần quyết tâm, từ đó nỗ lực thực hiện các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra.

Theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành III, để nâng cao hiệu quả và ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán, KTNN cần tiếp tục đẩy mạnh KTMT trên cả 3 loại hình: Kiểm toán hoạt động, kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ nhằm đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Trong đó, riêng đối với việc kiểm toán công tác chuẩn bị thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển bền vững, KTNN cần chú trọng áp dụng kiểm toán hoạt động để đánh giá sâu về tính kinh tế, tính hiệu quả, cũng như đưa ra các kiến nghị phù hợp, kịp thời. “Trong quá trình triển khai kiểm toán cần đặc biệt chú ý đến việc thu thập bằng chứng kiểm toán làm căn cứ đưa ra đánh giá, nhận định kiểm toán, bởi môi trường là lĩnh vực rất khó xác định, lưu trữ bằng chứng” - lãnh đạo đơn vị lưu ý.

Về giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả KTMT, nhiều đơn vị kiểm toán cũng cho rằng, các vấn đề liên quan tới môi trường vốn rất phức tạp, đòi hỏi kiểm toán viên không chỉ cần có kỹ năng kiểm toán mà còn cần trang bị kiến thức liên quan tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường. Do đó, KTNN cần tập trung xây dựng và tăng cường năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên KTMT cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc kiểm toán. Bản thân mỗi kiểm toán viên cần phải ý thức hơn về trách nhiệm tự đào tạo để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cũng như không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm qua thực tiễn kiểm toán. Bên cạnh đó, các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán cần chú trọng đến việc nâng cao công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán thông qua việc phối hợp với các đơn vị tham mưu, từ khâu lập kế hoạch đến khâu phát hành báo cáo kiểm toán, đảm bảo các cuộc kiểm toán tuân thủ đúng quy định, chuẩn mực của KTNN và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trên phương diện hợp tác quốc tế, KTNN cần tăng cường hợp tác với các cơ quan kiểm toán tối cao trong việc kiểm toán các vấn đề liên quan tới môi trường; tăng cường trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm KTMT từ các cơ quan, tổ chức kiểm toán quốc tế. “Kinh nghiệm từ cuộc kiểm toán việc quản lý nguồn nước sông Mê Công với sự hợp tác của cơ quan KTNN Thái Lan, Myanmar và sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức kiểm toán quốc tế đã cho thấy sự cần thiết phải gia tăng hợp tác trong giải quyết các thách thức chung về môi trường, trong đó có hoạt động KTMT” - ông Đinh Văn Dũng - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực II, nguyên Trưởng Đoàn cuộc kiểm toán cho biết./.

Cùng chuyên mục
Quyết tâm giải quyết các thách thức trong kiểm toán môi trường