Hướng đến thị trường dược liệu toàn cầu

(BKTO) - Cùng với các chính sách phát triển công nghiệp dược trong nước, với lợi thế của một đất nước có nguồn thảo dược đa dạng, phong phú, nhiều loài thảo dược quý hiếm, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tham gia vào thị trường thảo dược toàn cầu.

134c862c9be947b71ef8.jpg

Cần nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp dược phát triển. Ảnh sưu tầm

Ưu tiên sản xuất thuốc mới, thuốc dược liệu chất lượng cao

Thời gian qua, ngành công nghiệp dược Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, thuốc sản xuất trong nước chiếm khoảng 46,7% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng. Ngành dược trong nước đã sản xuất được nhiều thuốc chuyên khoa đặc trị như: Thuốc tim mạch, thuốc ung thư, thuốc điều trị gan... Thuốc sản xuất trong nước phủ được 27/27 nhóm tác dụng dược lý.

Theo Bộ Y tế, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược trong nước, trong đó sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc chuyên khoa đặc trị, vắc-xin, sinh phẩm là một chiến lược quan trọng trong phát triển ngành dược Việt Nam thời gian tới. Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường; chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vắc-xin, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được…

Hướng đến mục tiêu đó, giải pháp được ngành y tế đề ra đó là: Ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước với các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao; chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc-xin… Đồng thời, ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc mới, thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia; tiếp tục thúc đẩy đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thuốc, sinh phẩm y tế đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Song song với các định hướng, chính sách ưu đãi trên, Bộ Y tế cũng đang rà soát, hoàn thiện và trình sửa đổi, bổ sung các văn bản từ Luật Dược, nghị định đến các văn bản hướng dẫn để đảm bảo thông thoáng, minh bạch, công khai, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển nền công nghiệp dược.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nguồn dược liệu

Cùng với phát triển công nghiệp dược trong nước, Việt Nam cũng có nhiều chính sách phát triển thị trường dược liệu, với mục tiêu tham gia vào thị trường thảo dược toàn cầu.

Ông Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) - cho biết, theo dự báo của các đơn vị, tổ chức quốc tế, đến năm 2030, thị trường dược liệu toàn cầu sẽ đạt mức 400 tỷ USD. Việt Nam cũng đã tham gia thị trường cung cấp dược liệu toàn cầu với các dược liệu có thế mạnh như: Quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... Tuy nhiên, để Việt Nam tham gia được thị trường dược liệu toàn cầu, cần đáp ứng được yêu cầu về mặt chất lượng, phải đầu tư về khoa học, công nghệ, giống, vốn để phát triển được nguồn dược liệu năng suất và chất lượng cao, từ đó cạnh tranh được trên thị trường.

Bên cạnh đó, cần có quy mô đủ lớn để đáp ứng yêu cầu sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, cũng như phải tuân thủ được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước phát triển và theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới; kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo yêu cầu về sản xuất dược liệu hữu cơ, sản xuất dược liệu sạch… Đồng thời, cần nghiên cứu để đẩy mạnh, đa dạng hoá, gia tăng chuỗi giá trị của các sản phẩm dược liệu (thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ, hoá mỹ phẩm có nguồn gốc từ dược liệu…).

Ông Ngọc cũng thông tin, để phát triển thị trường dược liệu, thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp như từng bước xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ dược liệu, để đảm bảo các nhà mua hàng có thể truy xuất được xuất xứ của dược liệu cụ thể. Đồng thời, xây dựng các vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới), từ đó tiến tới các dược liệu hữu cơ, đảm bảo đầu ra tiêu chuẩn theo yêu cầu của các nước, cũng như các giới hạn vi sinh vật, giới hạn bảo vệ thực vật. Ngoài ra, ngành y tế đã tập trung đầu tư xây dựng các vùng trồng dược liệu tập trung, quy mô đủ lớn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...

Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược cùng với nhiều nhóm giải pháp đồng bộ về thể chế, pháp luật; đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu…

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó có nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2022/TT-BYT hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về giống, vốn, khoa học công nghệ để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển dược liệu.

"Đây là chính sách ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp để từng bước hình thành vùng trồng dược liệu quý với mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư vào vùng trồng này khoảng 60 tỷ đồng/dự án. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư ở các vùng này sẽ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với lãi suất 3,96%/năm trong thời gian 3 năm" - ông Trần Minh Ngọc cho biết./.

Cùng chuyên mục
Hướng đến thị trường dược liệu toàn cầu