Nhiều “rào cản” kết nối doanh nghiệp với thị trường thế giới qua thương mại điện tử

(BKTO) - Kết nối với thị trường thế giới thông qua thương mại điện tử được đánh giá là một trong những kênh hiệu quả nhất để doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận tới mọi thị trường và duy trì sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình đẩy mạnh kết nối với thị trường thế giới thông qua kênh thương mại điện tử.

Thông tin trên được trao đổi, thảo luận tại sự kiện kết nối “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối với thị trường thế giới qua thương mại điện tử”, do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại Vinexad tổ chức vào ngày 06/4.

a.jpg
Các chuyên gia chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: D.THIỆN

Chia sẻ tại sự kiện, bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI - cho biết: Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, kết nối với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Đây là những điều kiện thuận lợi để mở rộng “cánh cửa” xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó doanh nghiệp có thể tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh hội nhập kinh tế quốc tế, hiện nay, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đang mở ra nhiều cơ hội lớn và trở thành động lực quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với thị trường thế giới thông qua thương mại điện tử.

Ở góc độ vĩ mô, bà Tâm cho biết, trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đang ngày càng phát triển, trở thành một trong lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế. Theo đó, giai đoạn từ năm 2017-2022, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam luôn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định từ 16 - 33%. Báo cáo “Kinh tế khu vực Đông Nam Á 2022” của Ngân hàng Thế giới đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế internet Việt Nam nhanh nhất trong khu vực, với quy mô tăng từ mức 18 tỷ USD vào năm 2021 lên 23 tỷ USD vào năm 2022. Dự báo, kinh tế internet của Việt Nam sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2023; trong đó, thương mại điện tử chiếm 32 tỷ USD.

“Những con số trên cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam còn rất lớn, là cơ hội tốt nếu các doanh nghiệp biết tận dụng để kết nối, tiếp cận các đối tác, khách hàng trên toàn cầu” - bà Tâm nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng nhận định các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình đẩy mạnh kết nối với thị trường thế giới thông qua kênh thương mại điện tử.

Nguyên nhân là bởi nhiều doanh nghiệp còn thiếu kỹ năng kinh doanh trực tuyến, khó tạo dựng niềm tin với khách hàng, không nắm vững các quy định cần tuân thủ mà đối tác nhập khẩu yêu cầu.

Bên cạnh đó, khi thực hiện truy xuất nguồn gốc, nhiều doanh nghiệp chưa chuẩn hóa đúng nội dung, hình thức; chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.

Mặt khác, doanh nghiệp còn hạn chế về nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ cũng như hiểu biết về các quy tắc trong lĩnh vực thương mại điện tử, làm ảnh hưởng đến thành công của các giao dịch thương mại trực tuyến. Ngoài ra, doanh nghiệp còn thiếu quan tâm đến chất lượng gian hàng trên nền tảng thương mại điện tử để tối ưu hóa khả năng tiếp cận khách hàng…

Từ thực tế trên, đưa khuyến nghị về yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp triển khai hiệu quả các hoạt động xuất khẩu thông qua kênh thương mại điện tử, chuyên gia về lĩnh vực thương mại điện tử Lê Trung Dũng cho rằng, DN cần chăm chút kỹ lưỡng hơn website thương mại, đầu tư hình ảnh sản phẩm để thu hút khách hàng; cũng như tất cả các thông số kỹ thuật liên quan đến sản phẩm nên được mô tả rõ ràng để bạn hàng quốc tế dễ dàng xem xét, đánh giá.

Song song với đó, các doanh nghiệp cần nâng cao trình độ nguồn nhân lực phục vụ thương mại điện tử về các yếu tố như khả năng ngoại ngữ, am hiểu về cách thức thực hiện thương mại điện tử, kỹ năng vận hành gian hàng trực tuyến…

Cùng với sự nỗ lực, chủ động của doanh nghiệp, về phía Nhà nước, theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho thị trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh, bền vững; cũng như gia tăng các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc trong việc xây dựng thương hiệu, từ đó nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp, cũng như tăng khả năng tiếp cận thành công các đối tác, thị trường quốc tế./.

Cùng chuyên mục
Nhiều “rào cản” kết nối doanh nghiệp với thị trường thế giới qua thương mại điện tử