Quý I năm 2023: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 11,19 tỷ USD

Theo báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 03 tháng đầu năm ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

25-1613328367678.jpg
Quý I năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 11,19 tỷ USD. Ảnh: Báo Nhân dân

Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước.

Những mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: gạo đạt 952 triệu USD (tăng 30,2%); nhóm rau quả đạt 935 triệu USD (tăng 10,6%); hạt điều đạt 708 triệu USD (tăng 14,2%); sữa và sản phẩm sữa đạt 33,3 triệu USD (tăng 22,2%); thịt, phụ phẩm 37 triệu USD (tăng 80,1%),...

Về thị trường xuất khẩu, các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 48,8% thị phần), châu Mỹ (20,3%), châu Âu (12,8%), châu Đại Dương (1,4%) và châu Phi (1,2%).

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần); đứng thứ 2 là Hoa Kỳ đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2%); thứ 3 là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 936 triệu USD (chiếm 8,4%); thứ 4 Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 528 triệu USD (chiếm 4,7%).

Lý giải về xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp bị suy giảm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay những tháng đầu năm xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chịu tác động từ các thị trường, do tiếp tục chịu ảnh hưởng của lạm phát kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Về định hướng trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu trong quý II/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 14 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, tập trung vào nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi đề xuất chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.

Bộ yêu cầu ngành chăn nuôi, thú y phải theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả. Nghiên cứu, đề xuất kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tập trung vào một số khu vực có tiềm năng như Tây Nguyên, miền núi phía Bắc...

Đối với ngành thủy sản, Bộ yêu cầu theo dõi diễn biến của thời tiết, dự báo ngư trường, nhu cầu của thị trường kịp thời chỉ đạo sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản hiệu quả, đạt các mục tiêu kế hoạch năm.

Hợp tác quốc tế, phát triển thị trường thúc đẩy tiêu thụ nông sản: Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Tổ chức Hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc; tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Vương quốc Anh../.

Cùng chuyên mục
Quý I năm 2023: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 11,19 tỷ USD