Tập trung vào kỳ vọng của các bên liên quan
Theo Báo cáo Mức độ sẵn sàng thực hành ESG của DNTN Việt Nam 2022/2023 do PwC Việt Nam thực hiện, động lực chính thúc đẩy DNTN trong việc thực hành ESG là nhu cầu khách hàng, áp lực cạnh tranh, mong đợi từ nhà đầu tư và thu hút nhân tài.
Trong đó, 78% DN tham gia khảo sát lựa chọn việc thực hành ESG nhằm cải thiện hình ảnh thương hiệu và uy tín, 63% cho rằng để duy trì cạnh tranh trên thị thường và 37% lựa chọn để thu hút và giữ chân nhân tài.
ESG là một bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị DN trong quá trình vận hành của tổ chức. ESG đóng vai trò như kim chỉ nam giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức DN quản lý các rủi ro cũng như cơ hội ở ba khía cạnh này.
Các DNTN có thể làm chủ câu chuyện ESG của mình thông qua mục đích và giá trị cốt lõi của DN. Theo đó, DN có thể tạo sự đồng thuận một cách tự nhiên với các bên liên quan thông qua việc tập trung vào các giá trị lâu dài, tài sản bền vững với mục tiêu tạo dựng di sản DN.
Kết quả từ Báo cáo Thế hệ kế nghiệp (NextGen) Việt Nam của PwC cho thấy, các nhà lãnh đạo trẻ có mức độ nhận thức cao về các vấn đề ESG với 68% tin rằng DN có trách nhiệm cùng hành động chống biến đổi khí hậu và 77% mong muốn tham gia vào việc giúp DN của mình chú trọng hơn vào các khoản đầu tư cho phát triển bền vững trong tương lai.
Thực hành ESG là một quyết định mang lại nhiều lợi ích bởi sự tập trung chú ý vào ESG sẽ giúp DN nhận diện và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị. Hơn nữa, việc đưa ESG vào hoạt động thực tiễn sẽ thúc đẩy DN hướng tới các phương pháp hoạt động bền vững và tiết kiệm chi phí hơn, từ đó cũng khuyến khích sự đổi mới và hiệu quả vận hành.
Các doanh nghiệp tư nhân đã khởi động hành trình ESG
Theo khảo sát của PwC, 69% DN đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2-4 năm tới và 53% DN cho biết chương trình ESG của họ được quản lý bởi một trưởng phòng cao cấp, nhưng đây không phải trách nhiệm duy nhất của họ.
Các chuyên gia của PwC nhấn mạnh rằng, chủ DN cần tiên phong dẫn dắt các sáng kiến ESG và trở thành hình mẫu lãnh đạo trong việc xây dựng DN bền vững và trách nhiệm. Lợi nhuận và mục đích thực hành ESG đi song hành với nhau, vì vậy, đây là cơ hội đặc biệt để DN tạo nên các tác động tích cực vượt trội so với việc thực hiện những hoạt động từ thiện truyền thống.
Thực tế cho thấy, việc thực hành ESG có thể giúp DN đạt được thành công lâu dài, giảm thiểu rủi ro, phát triển danh tiếng và thúc đẩy đổi mới hiệu quả, từ đó tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc tuân thủ các quy định và lập báo cáo ESG là những bước đầu cho giai đoạn nền tảng của phát triển bền vững. Do đó, các giám đốc tài chính (CFO) có vai trò quan trọng trong việc giám sát quá trình này.
Khi các DNTN đạt được mức độ trưởng thành ESG cao hơn, vai trò của CFO cũng mở rộng. Lập báo cáo thành công là kết quả cuối cùng của một chiến lược ESG hiệu quả. Thay vì chỉ tập trung vào việc thực hiện báo cáo, CFO có thể giúp định hướng chiến lược ESG ngay từ đầu để định hình quá trình lập báo cáo.
Nâng cao kỹ năng về ESG
Khi được hỏi về những yếu tố ngăn cản DNTN cam kết ESG, 60% đề cập đến việc thiếu kiến thức. Tuy nhiên, việc nâng cao kỹ năng vẫn chưa là ưu tiên hàng đầu của các công ty khi hơn một nửa vẫn chưa quan tâm đến việc đào tạo về ESG.
Chuyên gia của PwC khuyến nghị rằng, việc nâng cao năng lực sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi ESG của tổ chức thông qua các điểm: Truyền đạt, hành động và kỹ năng đa ngành. Trong đó, việc truyền đạt trong nội bộ các mục tiêu ESG một cách minh bạch sẽ giúp xây dựng một văn hóa tạo sự tin tưởng trong tổ chức, thúc đẩy sự ủng hộ của nhân viên đối với kết quả ESG và mục tiêu của công ty.
Hành động được thể hiện thông qua việc nâng cao năng lực nhân viên theo định hướng mục tiêu DN sẽ tạo động lực để họ hành động, hợp tác và thúc đẩy tiến bộ, đổi mới. Còn với kỹ năng đa ngành, nâng cao năng lực ESG sẽ mang lại cho nhân viên cơ hội phát triển cả về kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, bao gồm kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo, sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Những kỹ năng này có thể giúp nhân viên đương đầu với sự phức tạp của các vấn đề ESG, tham gia vào các cuộc đối thoại chuyên sâu và đóng góp vào các mục tiêu ESG của tổ chức.
Để tạo ra giá trị và kết nối giữa áp lực ngắn hạn và các cơ hội dài hạn, các công ty phải cân bằng giữa việc đáp ứng các yêu cầu hiệu quả ngắn hạn và đầu tư vào các mục tiêu ESG dài hạn.
Bằng cách xác định chiến lược ESG rõ ràng và thuyết phục, phù hợp và đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư, các công ty có thể đảm bảo thành công lâu dài của họ và tránh các chi phí đáng kể.Johnathan Ooi - Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp tư nhân và Doanh nghiệp gia đình PwC Việt Nam
Các nhà lãnh đạo DN ở Việt Nam đang đối mặt với bối cảnh kinh tế đầy biến động trong hiện tại, đồng thời họ cũng cần phải sẵn sàng cho tương lai. Điều này đòi hỏi một chiến lược cân bằng - mục tiêu kép để thành công trong lĩnh vực kinh doanh. Liên quan đến các vấn đề ESG, đã đến lúc, các DNTN hành động để thay đổi thay vì chỉ dừng lại ở “ý định tốt” nhằm tạo ra một kế hoạch thực tế và đạt được kết quả hữu hình./.