Chỉ số OBI chưa cải thiện nhiều
Một trong những hạn chế của việc thực thi pháp luật về công khai ngân sách ở Việt Nam được các chuyên gia chỉ ra là các báo cáo, tài liệu về ngân sách còn ít được công khai hoặc có công bố nhưng chậm so với quy định. PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng quy trình làm dự toán của Việt Nam gần như khép kín. Các con số thu, chi chậm công bố gây khó khăn cho các chuyên gia trong việc đánh giá, nhận định về tình hình NSNN để đưa ra những khuyến nghị phù hợp.
Nhiều chuyên gia kinh tế quan ngại về khả năng cải thiện chỉ số OBI
Bên cạnh đó, bà Dương Thị Việt Anh nhận định thêm: Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện mức độ công khai NSNN song Báo cáo giữa kỳ (6 tháng) của Chính phủ chưa được coi là công khai bởi nội dung chưa đúng với thông lệ quốc tế.
Công khai Dự thảo dự toán NSNN là tiêu chí quan trọng để đánh giá chỉ số OBI. Theo bà Dương Thị Việt Anh, chỉ số OBI của Việt Nam năm 2015 đạt 18/100 điểm, gần như không thay đổi so với một vài năm trước. Với thang điểm này, Việt Nam hiện được xếp vào nhóm thứ 5 (nhóm các nước được coi là ít hoặc không công khai thông tin ngân sách). Thực tế này khiến bà Dương Thị Việt Anh tỏ ra quan ngại về khả năng cải thiện chỉ số OBI của Việt Nam trong những năm tới.
Làm gì để nâng cao chỉ số OBI?
Theo các chuyên gia, cơ cấu thu không bền vững, số thu giảm, bội chi cao, nợ công lớn là những thách thức trong quản lý NSNN mà Việt Nam đang tiếp tục đối mặt. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường hơn nữa việc thực thi pháp luật về công khai minh bạch NSNN.
Để cải thiện mức độ minh bạch ngân sách, đại diện BTAP, bà Dương Thị Việt Anh kiến nghị Việt Nam nên ưu tiên công bố Dự thảo dự toán NSNN của cơ quan hành pháp khi Dự thảo này được trình lên Quốc hội; đồng thời công bố kịp thời Báo cáo kiểm toán (lý tưởng nhất là trong vòng 6 tháng và không lâu hơn 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách), xây dựng và công bố Báo cáo giữa kỳ của Chính phủ phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế.
Trên thực tế, việc thực hiện chỉ số OBI của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu. Bởi vậy, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại diện Bộ Tài chính nêu quan điểm phải xác định rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu trong việc chỉ đạo, thực hiện công khai, minh bạch ngân sách.
Nhận định Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện công khai ngân sách, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Văn phòng Quốc hội) Nguyễn Minh Tân, cho rằng tài liệu về ngân sách cần được biên soạn dễ hiểu hơn, tạo thuận lợi cho người dân theo dõi và tham gia giám sát.
Luật NSNN 2015 cũng đã quy định rõ về giám sát ngân sách của cộng đồng. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng NSNN; tình hình thực hiện dự toán NSNN hằng năm và việc thực hiện công khai NSNN. Triển khai thi hành Luật này, đồng thời để nâng cao hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch ngân sách, nhiều chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần phải ưu tiên thực hiện những giải pháp, tạo cơ hội cho công chúng tiếp cận và tham gia vào quy trình ngân sách. Cụ thể hơn, “cơ quan lập pháp cần phải tổ chức các buổi điều trần công khai về: ngân sách của một số Bộ, ngành, cơ quan và tình hình kinh tế với sự tham gia của cơ quan hành pháp; thiết lập những cơ chế chính thức để công chúng có thể tham gia vào quy trình kiểm toán” - bà Dương Thị Việt Anh đề xuất.