Hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập kiểm toán nhà nước: Sự phối hợp chặt chẽ giữa Kiểm toán nhà nước với các địa phương mang lại lợi ích lớn

VIẾT CHUNG (thực hiện) | 24/07/2023 14:32

(BKTO) - Thời gian qua, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Kiểm toán nhà nước (KTNN) với các địa phương mang lại lợi ích to lớn. Về phía KTNN có thể nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán. Về phía địa phương có thể nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công. Phóng viên Báo Kiểm toán đã có cuộc phỏng vấn với Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh để làm rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phối hợp này.

t6.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh

Thưa Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp giữa KTNN và các địa phương trong những năm qua?

Trong những năm qua, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của kiểm toán, KTNN luôn chú trọng công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương...

Có thể nói sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương chính là một trong những đóng góp quan trọng để KTNN hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần hiệu quả vào công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hoàn thiện cơ chế pháp luật…

Sự phối hợp đó được thể hiện trên nhiều mặt, nhiều nội dung và đạt mục tiêu cuối cùng là góp phần giúp cho mỗi bên hoàn thành nhiệm vụ trên tinh thần tuân thủ nguyên tắc hoạt động của KTNN cũng như trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương.

Ông có thể điểm qua một số kết quả cụ thể trong công tác phối hợp giữa KTNN và các địa phương, thưa Phó Tổng Kiểm toán nhà nước?

Đến nay, KTNN đã thực hiện ký quy chế phối hợp với hầu hết các địa phương trên cả nước, gần đây đã thực hiện ký lại, ký điều chỉnh với 18 địa phương và đang tiếp tục triển khai để ký quy chế phối hợp với một số địa phương khác.

KTNN đã tổ chức sơ kết định kỳ các quy chế phối hợp giữa KTNN các khu vực với các địa phương nhằm đánh giá kết quả phối hợp trong giai đoạn vừa qua và đề ra những giải pháp trong thời gian tới cho phù hợp với tình hình và bối cảnh mới.

Việc phối hợp được thực hiện dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên và sự phối hợp được thực hiện trên tinh thần chủ động, đảm bảo phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi bên.

Nội dung quy chế phối hợp đã được triển khai trên nhiều lĩnh vực như: Xây dựng kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; phối hợp trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương; giám sát hoạt động kiểm toán và kiểm toán viên nhà nước.

Đồng thời, phối hợp trong công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND); phối hợp trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN, của HĐND, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố để thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.

Sau nhiều năm, việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh đã đi vào thực chất hơn, đã phát huy được hiệu quả công tác, giúp các cơ quan hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.

Quy chế phối hợp đã thực hiện phát huy tích cực và được lãnh đạo KTNN cũng như lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là HĐND, UBND đánh giá cao. Chúng tôi đang ngày càng hoàn thiện quy chế này trong thời gian tới.

Để kết quả phối hợp giữa KTNN với các địa phương ngày càng hiệu quả, thiết thực, từ phía KTNN và phía các địa phương cần phải thực hiện những giải pháp gì, thưa Phó Tổng Kiểm toán nhà nước?

Về phía KTNN, trước hết cần nâng cao chất lượng công tác thảo luận, thẩm tra, xây dựng Báo cáo ý kiến của KTNN về dự toán ngân sách địa phương hằng năm.

Tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương nhằm đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực, đầy đủ của Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước; việc tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, văn bản pháp luật trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách nhà nước niên độ được kiểm toán; hiệu lực triển khai chính sách tài khóa, hiệu lực quản lý, điều hành ngân sách nhà nước của Chính phủ đối với niên độ được kiểm toán; phát hiện những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước để kiến nghị biện pháp khắc phục, hoàn thiện từ cơ chế, chính sách đến tổ chức quản lý, thực hiện, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm.

Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về KTNN, Chuẩn mực, quy trình kiểm toán, quy chế hoạt động của đoàn kiểm toán nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành ở địa phương về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong việc thực hiện kiểm toán đối với ngân sách địa phương cũng như kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương.

Chú ý lựa chọn, bố trí công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn để đảm nhiệm các vị trí công tác nhất là vị trí Trưởng đoàn, Tổ trưởng tổ kiểm toán; tăng cường kiểm tra, giám sát đoàn, tổ, kiểm toán viên, không bố trí tham gia đoàn kiểm toán đối với những người có hành vi vi phạm trong thực thi công vụ.

Đồng thời tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ kiểm toán viên để có thể đáp ứng những yêu cầu khi được các địa phương yêu cầu tham gia các vấn đề về dự toán, quyết toán và tham gia các văn bản liên quan đến tài chính ngân sách, tham gia các đoàn giám sát ngân sách tại các địa phương.

Đối với HĐND, UBND các tỉnh, cần phối hợp chặt chẽ với KTNN trong việc yêu cầu, giao nhiệm vụ kiểm toán hằng năm cho KTNN khu vực thực hiện kiểm toán việc thực hiện các đề án, chương trình, dự án quan trọng của địa phương và các vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công được quan tâm tại địa phương, phục vụ HĐND trong giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán phục vụ HĐND tỉnh trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND liên quan đến việc quản lý tài chính công, tài sản công.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc có liên quan thực hiện nghiêm việc cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu cũng như việc chia sẻ dữ liệu thông tin, nhất là thông tin theo quy đinh mới cho đoàn kiểm toán.

Giám sát chặt chẽ hoạt động kiểm toán của đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước trên địa bàn và phản ánh kịp thời để KTNN xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (nếu có), đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng kiểm toán.

Cần phối hợp, chỉ đạo các bộ phận chức năng rà soát các kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng để kịp thời xử lý. Trường hợp kiến nghị kiểm toán không thực hiện được do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng hoặc chưa phù hợp, đề nghị địa phương có văn bản gửi KTNN để có phương án xử lý dứt điểm.

Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với các đoàn kiểm toán nhà nước khi kiểm toán địa phương để rà soát, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, sửa đổi, bổ sung các văn bản còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn của địa phương để hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu lực của văn bản.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Kiểm toán nhà nước./.

Cùng chuyên mục
Hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập kiểm toán nhà nước: Sự phối hợp chặt chẽ giữa Kiểm toán nhà nước với các địa phương mang lại lợi ích lớn