Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 90% dân số Việt Nam tham gia BHYT. Ảnh: NGUYỄN HỒNG
Theo Quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ thì mục tiêu đặt ra đến năm 2020, cả nước đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 84,3%. Tuy nhiên, để mọi người dân đều được hưởng phúc lợi xã hội quan trọng này, cần thiết phải nâng tỷ lệ tham gia BHYT nhằm hoàn thành sớm lộ trình thực hiện BHYT toàn dân. Tại Hội nghị trực tuyến với các Bộ ngành, địa phương trên toàn quốc bàn về các giải pháp đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì mới đây, BHXH Việt Nam đề xuất phương án điều chỉnh chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2016-2020 với định hướng phấn đấu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 90% dân số có BHYT.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, thời gian qua BHXH Việt Nam đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện nhằm hoàn thành chỉ tiêu phát triển và mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Năm 2015 toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao, với trên 76,5% dân số cả nước có BHYT; đầu năm 2016 cũng đã có trên 70,8 triệu đối tượng tham gia BHYT, tăng 1,2 % so với năm 2015.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, BHXH Việt Nam còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Chưa được giao đầy đủ trách nhiệm để đề xuất các cơ chế, chính sách; Quyết định 1584 của Thủ tướng giao các địa phương huy động nguồn lực hỗ trợ người dân, trước mắt hỗ trợ 30% còn lại cho các hộ cận nghèo mua BHYT nhưng một số tỉnh chưa có cơ chế hỗ trợ; hầu hết các địa phương chưa hỗ trợ các hộ nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên; chưa có giải pháp hỗ trợ mở rộng tới các đối tượng vùng bãi ngang ven biển, vùng đặc biệt khó khăn… Để phấn đấu đạt mục tiêu đặt ra đến năm 2020, BHXH Việt Nam đã đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn trên đồng thời đề nghị các Bộ, ngành liên quan có chỉ đạo kịp thời trong thực hiện chính sách này. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố cần đưa nội dung phát triển đối tượng tham gia BHYT là chỉ tiêu phát triển KTXH hằng năm, 5 năm, huy động nguồn lực hỗ trợ cho các đối tượng cần hỗ trợ tham gia BHYT. BHXH Việt Nam đã tính toán chi tiết tổng mức kinh phí hỗ trợ theo nhóm đối tượng, cụ thể tại mỗi địa phương theo năm tài chính từ 2016 đến 2020 để các địa phương nghiên cứu xem xét, quyết định. Theo tính toán, số tiền hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng nói trên trong năm 2016 là 450,1 tỷ đồng.
Cho phép sử dụng nguồn kinh phí kết dư
Ủng hộ đề xuất tăng chỉ tiêu bao phủ BHYT, tại Hội nghị, lãnh đạo một số địa phương cũng đề nghị Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ cho hộ nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình; các Bộ, ngành Trung ương phối hợp với các địa phương trong hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT và thu BHYT, cải tiến quy trình thanh toán, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh…
Trước những đề xuất trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, BHYT là bắt buộc, đã được luật định. Đây là quyền lợi và trách nhiệm của mọi người dân. Với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT, BHXH Việt Nam cần tổ chức triển khai phát triển đối tượng tham gia BHYT; đề xuất những giải pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT và tổ chức triển khai thực hiện; tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý thu theo cơ chế dịch vụ công tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT. Thủ tướng cho phép ngay trong năm 2016, sử dụng nguồn kinh phí kết dư của BHXH Việt Nam để thực hiện hỗ trợ theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương bố trí ngân sách, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT.
NGUYỄN HỒNG