
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm nay?
Với những kết quả đạt được trong những tháng đầu năm, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng mục tiêu đạt tăng trưởng 8% không phải là thách thức. Bởi lẽ, tăng trưởng Quý I rất đều trên hầu hết các lĩnh vực, thu ngân sách Quý I cũng rất cao, chứng tỏ tiềm lực của chúng ta tốt.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là chính sách thuế của Mỹ ảnh hưởng rất mạnh đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chính sách này sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu nói chung và ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến động lực tăng trưởng trụ cột của nước ta là khu vực công nghiệp, chế biến, chế tạo.
Chính vì vậy, mục tiêu tăng trưởng 8% đặt ra từ nay đến cuối năm là vô cùng thách thức và sẽ phụ thuộc rất lớn vào chính sách mà chúng ta đàm phán với Mỹ tới đây. Nếu chính sách thuế ở mức độ tác động có thể không nhiều và cân bằng so với các nước thứ ba khác cùng thị trường xuất khẩu thì chúng ta cũng không đáng lo ngại; nhưng nếu chúng ta phải chịu áp lực thuế lớn hơn thì đấy là vấn đề cần đặt ra.
Với bối cảnh tình hình như vậy, theo ông, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp như thế nào để ứng phó và có thể cán đích mục tiêu tăng trưởng đặt ra?
Muốn duy trì được mục tiêu tăng trưởng 8%, tôi cho rằng, một mặt chúng ta phải tích cực đàm phán thành công một cách sòng phẳng với thị trường Mỹ, để có thể duy trì được hoạt động xuất nhập khẩu một cách cân bằng. Tôi kỳ vọng là chúng ta có thể sẽ đạt được một thỏa thuận không đến mức bi quan trong bối cảnh kinh tế của Việt Nam; kỳ vọng chúng ta sẽ vẫn duy trì được quan hệ xuất nhập khẩu.
Cái quan trọng mà tôi muốn nói đến là chúng ta phải nghĩ đến câu chuyện phải tái cấu trúc, huy động nội lực bên trong, tạo ra động lực tăng trưởng từ bên trong. Việc này phải làm ngay lập tức để bù đắp cho cái thiếu hụt của năm nay.
Chúng ta có rất nhiều động lực bên trong để phát triển. Chẳng hạn, thu ngân sách của Quý I rất lớn mà cơ cấu thu đó không chỉ dựa vào xuất nhập khẩu mà dựa vào rất nhiều khu vực từ nội tại bên trong. Cho nên, nếu chúng ta tích cực có những giải pháp thúc đẩy nội tại thì vẫn có thể tạo ra động lực tăng trưởng.
Về lâu dài, chúng ta phải tái cấu trúc nền kinh tế để không phụ thuộc vào các hoạt động xuất nhập khẩu những sản phẩm có khối lượng rất lớn nhưng giá trị thấp, những sản phẩm mang tính chất gia công, lắp ráp; phải tái cấu trúc để đưa vào những sản phẩm mới có hàm lượng giá trị cao, những sản phẩm công nghệ cao. Đồng thời, chúng ta phải đa dạng hóa thị trường để không lệ thuộc vào một khu vực.
Ngoài xuất khẩu, vấn đề đầu tư, tiêu dùng cũng là những động lực bên trong rất quan trọng. Về đầu tư, một mặt Chính phủ rất quyết liệt trong đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, thậm chí quy mô đầu tư công năm còn lớn hơn năm trước. Đây sẽ là động lực quan trọng, tạo dẫn dắt, tạo cầu cho một loạt các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, bù lại công ăn việc làm thiếu hụt của khu vực chế tạo, chế biến.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng cái quan trọng thứ hai trong đầu tư là phải kích thích được đầu tư của khu vực tư nhân, đầu tư của doanh nghiệp, đầu tư của người dân, từ đó mới tạo ra được những xung lực lớn, còn nếu chỉ trông chờ vào đầu tư công thì chỉ tăng thêm được phần rất nhỏ. Chúng ta phải làm sao để đầu tư công đó lan tỏa, thúc đẩy đầu tư tư nhân.
Trong đầu tư tư nhân, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh trong Phiên khai mạc Kỳ họp này, đó là chúng ta phải khơi thông ngay những nguồn lực đang bị tồn đọng, chẳng hạn như hơn 2.000 dự án đầu tư đang bị vướng mắc “đắp chiếu” hơn 5,9 triệu tỷ đồng.
Nếu chúng ta khơi thông các hoạt động đầu tư của tư nhân hiện đang bị ách tắc thì sẽ tạo ra một nguồn lực để phát triển, từ đó sẽ kích thích về việc làm, tăng nguồn thu và thúc đẩy tiêu dùng.
Trong thúc đẩy tiêu dùng, bên cạnh việc thúc đẩy tiêu dùng của người dân thì thời phải quan tâm đến khu vực rất tiềm năng, đó là thị trường du lịch. Nếu chúng ta làm tốt được thị trường này, thu hút mạnh được du lịch nước ngoài, có những đột phá.
trong vấn đề miễn thị lực, tạo ra được các dịch vụ tốt cho các khu vực du lịch trong nước thì đây sẽ là một khu vực thúc đẩy tiêu dùng rất mạnh, để tạo ra tăng trưởng.
Liên quan đến vấn đề đầu tư tư nhân như ông vừa đề cập thì với Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vừa được ban hành, ông kỳ vọng như thế nào về sự bứt phá của khu vực này trong thời gian tới?
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được đánh giá là một bước ngoặt quan trọng, tạo tiền đề cho sự thay đổi về chất của khu vực kinh tế này.

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 8% lực lượng lao động và chiếm phần lớn số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn mà chúng ta cần khai thác và huy động hiệu quả hơn nữa. Đặc biệt, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo, của khoa học công nghệ, kinh tế tư nhân có ưu thế vượt trội nhờ sự linh hoạt, khả năng chấp nhận rủi ro và sẵn sàng tiếp cận cái mới. Đây sẽ là lực lượng tiên phong trong ứng dụng các thành tựu mới vào sản xuất, kinh doanh.
Để hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW, tôi cho rằng, cần phải hành động quyết liệt và bắt đầu ngay từ việc thể chế hóa các chủ trương, tư tưởng thành quy định pháp luật cụ thể.
Trước mắt, trong các dự án luật đang được sửa đổi tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội lần này, cần phải lồng ghép tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW vào. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng nên ban hành một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân để làm cơ sở xây dựng khung pháp lý, từ đó các cơ quan quản lý có căn cứ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn và triển khai thực thi.
Đặc biệt, Nghị quyết 68 cũng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là xóa bỏ tư duy xin - cho, không quản được thì cấm. Do đó, cần cải cách mạnh mẽ, phải chuyển từ mô hình mà trong đó người dân, doanh nghiệp “phải xin” để được làm gì đó sang mô hình Nhà nước kiến tạo - tạo điều kiện và khuôn khổ để doanh nghiệp tự do hoạt động, miễn là tuân thủ pháp luật.
Không thể để các cơ quan quản lý ngồi chờ doanh nghiệp đến xin phép, mà phải chủ động nắm bắt, lắng nghe xem doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh cần gì, từ đó đáp ứng và tháo gỡ. Đây là một thay đổi tư duy quản lý rất căn bản.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường
Nghị quyết 68-NQ/TW cũng đề cập đến một giải pháp về mặt pháp lý rất mạnh, đó là yêu cầu rà soát lại các văn bản pháp luật để thực hiện phương châm không hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân yên tâm, mạnh dạn dấn thân vào đầu tư, kinh doanh… Ngay cả khi thất bại, họ vẫn được tạo điều kiện để làm lại, tiếp tục đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đây sẽ là động lực rất mạnh để các doanh nghiệp, doanh nhân hăng hái, mạnh dạn tiến lên.
Đối với doanh nghiệp, ngoài sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng cần chuyển mình mạnh mẽ, phát triển theo hướng chiến lược dài hạn, bền vững, ổn định, tránh tình trạng đầu tư chộp giật, dựa vào kẽ hở pháp luật. Đồng thời, cần khắc phục điểm yếu cố hữu là thiếu liên kết. Nếu biết liên kết, bắt tay, các doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo nên sức mạnh rất lớn.
Với Nghị quyết 68-NQ/TW, chúng ta kỳ vọng sẽ hình thành nên các “chim đầu đàn”, từ đó lôi kéo các doanh nghiệp khác đi theo, tạo ra một liên kết của doanh nghiệp tư nhân, tạo sức mạnh tổng thể phát triển.
Trân trọng cảm ơn ông!