Việc huy động TPCP tăng chậm một phần là do kỳ hạn TPCP trên 5 năm ít được các TCTD quan tâm. Ảnh: T.S
Các năm trước đây, kỳ hạn TPCP phổ biến là 2 đến 3 năm và tỷ lệ TPCP có kỳ hạn dưới 3 năm huy động được chiếm tỷ trọng cao (70% đến 80% tổng lượng phát hành). Tuy nhiên, Nghị quyết 78/2014/QH13 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2015 ghi rõ: “Từ năm 2015, phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi NSNN, giảm mức vay đảo nợ”. Sự thay đổi này được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc huy động vốn TPCP trong năm 2015 kém sôi động hơn các năm trước.
Tại cuộc họp báo do Bộ Tài chính tổ chức ngày 07/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Đến hết tháng 3/2015, Bộ đã huy động được 55.992 tỷ đồng TPCP, đạt 22,4% kế hoạch cả năm, bằng 62,7% so với cùng kỳ năm 2014. Bà Mai khẳng định: Hết quý I mà huy động được 22,4% kế hoạch năm là tỷ lệ hơi thấp so với nhiệm vụ. Sự sụt giảm này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do thực hiện Nghị quyết 78 của Quốc hội. Đây là chủ trương nhằm cơ cấu lại các khoản nợ của ngân sách theo hướng ngày càng lành mạnh hơn. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết 78 về phát hành trái phiếu dài hạn gây ra “phản ứng phụ” trên thị trường trái phiếu.
Cùng quan điểm trên, Ngân hàng HSBC, một trong những nguyên nhân của tình trạng ảm đạm này là do Nghị quyết 78 quy định Bộ Tài chính chỉ được phát hành trái phiếu có thời hạn bằng hoặc dài hơn 5 năm.
Thêm vào đó, Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 01/02/2015 quy định: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua đầu tư TPCP theo tỷ lệ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn là 15% đối với NHTM Nhà nước, 35% với NHTM cổ phần, liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 15% với chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 5% với TCTD phi ngân hàng cũng làm ảnh hưởng đến việc mua TPCP của các NHTM.
Báo cáo tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, việc huy động TPCP tăng chậm một phần là do kỳ hạn TPCP trên 5 năm ít được các TCTD quan tâm, một phần do các TCTD tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Báo cáo của Ủy ban nêu rõ: Hiện các NHTM ưu tiên đẩy mạnh tín dụng. Tính đến ngày 20/5, tín dụng đối với toàn nền kinh tế ước tăng 4,26% (cùng kỳ năm 2014 tăng 1,11%). Còn nếu đầu tư vào TPCP thì các ngân hàng này cũng chọn loại TPCP có kỳ hạn dưới 5 năm nhằm đảm bảo tốt hơn danh mục đầu tư, nên loại trái phiếu có kỳ hạn 5 năm trở lên đã không được các ngân hàng này quan tâm nhiều. Cùng với đó, lo ngại rủi ro mất cân đối giữa lượng vốn huy động có kỳ hạn ngắn với nguồn vốn đầu tư vào TPCP dài hạn khiến cho sức cầu trên thị trường TPCP giảm sút. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo xu hướng này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nếu nhà phát hành tiếp tục chỉ bán ra các loại TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã mở thêm kênh huy động vốn cho NSNN thông qua việc phát hành riêng lẻ trái phiếu bằng ngoại tệ (trong tháng 4 vừa qua đã phát hành cho Vietcombank với mức lãi suất xoay quanh 4,8%/năm cho kỳ hạn 5 - 10 năm). Bên cạnh đó, KBNN đã có cải tiến trong công tác phát hành TPCP như: thí điểm phát hành TPCP không thanh toán lãi định kỳ để đa dạng các sản phẩm trên thị trường; hoán đổi kéo dài kỳ hạn trái phiếu để tái cấu trúc danh mục nợ TPCP nhằm giãn áp lực trả nợ cho NSNN trong những năm tới. Đồng thời, trong tháng 6/2015, KBNN đã công bố đấu thầu 12.000 tỷ đồng tín phiếu KBNN nhằm huy động vốn cho NSNN.
THU HƯỜNG