IMF: Đức sẽ vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới

(BKTO) - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, trong đó dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Đức năm 2023 sẽ vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Đức sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới

kinh-te-duc.jpg
Theo ước tính của IMF, GDP danh nghĩa năm 2023 của Đức sẽ đạt 4.430 tỷ USD - Ảnh minh họa

Theo ước tính của IMF, GDP danh nghĩa năm 2023 của Đức sẽ đạt 4.430 tỷ USD, của Nhật Bản chỉ là 4.230 tỷ USD, vì vậy quy mô nền kinh tế Đức sẽ chỉ xếp sau Mỹ và Trung Quốc. GDP danh nghĩa là tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ được tạo ra trong một quốc gia, tính theo giá hiện tại chưa kể lạm phát. IMF cũng dự báo GDP bình quân của Đức là 52.824 USD, còn của Nhật Bản là 33.950 USD.

Một phần nguyên nhân của sự đổi ngôi này là đồng yen của Nhật Bản yếu đi, khiến GDP giảm khi quy đổi sang USD.

Ngày 24/10, đồng nội tệ Nhật Bản đã lần thứ hai trong năm nay vượt ngưỡng 150 yen đổi được 1 USD. Năm ngoái, việc đồng yen chạm mốc này khiến giới chức Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Đồng yen yếu đi do chênh lệch lãi suất giữa nước này và phương Tây. Trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu nâng lãi suất mạnh tay để đối phó lạm phát, Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất âm. Điều này khiến nhà đầu tư bán đồng yen để chuyển sang các kênh khác cho lợi nhuận cao hơn.

Dù trải qua thời kỳ tăng trưởng chậm kéo dài, Nhật Bản vẫn giữ được vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong hơn một thập kỷ qua.

Trong các năm tới, thứ hạng của Nhật Bản có thể còn tiếp tục giảm. IMF dự báo Nhật Bản trượt xuống vị trí thứ 5 trong giai đoạn 2026-2028. Khi đó, Ấn Độ có thể vượt lên để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Kinh tế Đức thoát khủng hoảng chậm hơn dự báo

hamburg-reuters.jpg
  Toàn cảnh cảng Hamburg - cảng lớn nhất nước Đức - Ảnh minh họa 

Tuy được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới nhưng nền kinh tế Đức vẫn đang gặp rất nhiều vấn đề.

Trước đó, ngày 11/10, Chính phủ Đức đã công bố dự báo cập nhật về tình hình phát triển kinh tế năm 2023 và các năm tiếp theo. Theo báo cáo, Chính phủ Đức hiện không kỳ vọng kinh tế tăng trưởng trong năm nay như dự báo hồi mùa Xuân, nhưng tin tưởng sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong các năm tiếp theo.

Báo cáo nhận định trong một môi trường địa chính trị khó khăn, nền kinh tế Đức đang thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chậm hơn dự báo. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức được dự báo sẽ giảm 0,4% trong năm nay, thay vì tăng trưởng 0,4% như ước tính trước đó.

Các chỉ số kinh tế hiện tại như sản xuất công nghiệp, số lượng đơn đặt hàng, chỉ số môi trường kinh doanh đều cho thấy tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục yếu kém trong quý 3 năm nay.

Phó Thủ tướng Đức Habeck cho biết nguyên nhân khiến nền kinh tế Đức yếu kém là do hậu quả của cuộc khủng hoảng giá năng lượng, yêu cầu chống lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và sự suy yếu của các đối tác kinh tế quan trọng của Đức. Ngoài ra, những xung đột địa chính trị trên toàn cầu cũng làm gia tăng bất ổn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Đức, chính phủ nước này kỳ vọng kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2024. Lộ trình phục hồi kinh tế bền vững hiện đã được xác định: lạm phát giảm đáng kể và thu nhập thực tế tăng trở lại là cơ sở cho sự phục hồi kinh tế trong nước.

Theo dự báo mới, kinh tế Đức sẽ lấy lại động lực tăng trưởng từ cuối năm nay và sẽ tăng tốc trong năm tới. Động lực tăng trưởng có thể chủ yếu đến từ tiêu dùng cá nhân: sức mua của các hộ gia đình đang được cải thiện, mức lương tăng đáng kể và tình hình việc làm ổn định, dẫn đến sự hồi sinh sức mua. Dự báo nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2024 và 2025, với mức tăng tương ứng là 1,3% và 1,5%.

Mặc dù vậy, theo Phó Thủ tướng Habeck, nước Đức cũng cần phải vượt qua những thách thức lớn về cơ cấu. Các vấn đề như tình trạng quan liêu quá mức và thiếu hụt lao động đang gây ra hậu quả cho nền kinh tế.

Nhật Bản nên cân nhắc về việc can thiệp vào thị trường tiền tệ

boj-the-wall-street-journal.jpg
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - Nguồn: ST

Còn đối với Nhật Bản, việc đồng yen của Nhật Bản suy yếu được coi là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế này có thể bị tụt thứ hạng.

Đánh giá về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương của IMF Sanjaya Panth, cho biết sự sụt giá gần đây của đồng yen xuất phát từ các yếu tố cơ bản của nền kinh tế, đồng thời kêu gọi các cơ quan chức năng Nhật Bản nên cân nhắc không can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Ông Panth phân tích tỷ giá hối đoái của đồng tiền Nhật Bản bị ảnh hưởng khá nhiều bởi các yếu tố kinh tế cơ bản. Chừng nào chênh lệnh lãi suất giữa quốc gia châu Á này với Mỹ vẫn còn khoảng cách lớn, thì đồng tiền nước này vẫn đối mặt với áp lực giảm giá.

Từ năm 2022, trong bối cảnh Mỹ và các nền kinh tế lớn khác trên toàn cầu liên tục tăng lãi suất, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục kiên định chính sách lãi suất siêu thấp.

Đây là nguyên nhân cơ bản kéo giá đồng yen đi xuống, chạm đáy 32 năm so với đồng USD. Giữa tháng 9/2023, các quan chức Nhật Bản đã ra tín hiệu có thể can thiệp, nếu đồng nội tệ tiếp tục giảm nhanh.

Ông Panth cho biết IMF coi việc can thiệp ngoại hối chỉ hợp lý khi có sự rối loạn nghiêm trọng trên thị trường, rủi ro ổn định tài chính tăng cao hoặc nguy cơ lạm phát không còn ổn định. Tuy nhiên, đối với trường hợp đồng yen, không có bất kỳ yếu tố nào trong ba yếu tố chính kể trên đang tồn tại.

Vào tháng 9 và 10/2022, BoJ, lần đầu tiên kể từ năm 1998, đã tiến hành mua vào đồng tiền nội tệ, nhằm ngăn chặn sự sụt giảm mạnh mẽ của đồng yen, trước khi giá trị của đồng tiền này rơi xuống mức thấp nhất trong 32 năm là 151,94 yen đổi 1 USD.

Cùng chuyên mục
IMF: Đức sẽ vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới