Indonesia là nước sản xuất dầu thô lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: ST
Ông Dwi Soetjipto - Giám đốc điều hành Pertamina cho biết, cuộc kiểm toán Petral được thực hiện bởi hãng kiểm toán KordaMentha của Úc. Các kiểm toán viên tiến hành xem xét mọi hoạt động của Petral từ tháng 01/2012 đến tháng 5/2015 và phát hiện đã có sự can thiệp của bên thứ 3 dẫn đến việc Pertamina phải trả giá nhiên liệu cao hơn.
Báo cáo kiểm toán dài 63 trang chỉ ra rằng suốt 4 năm qua, Petral đã ưu ái cho một số công ty “ruột” cung cấp dầu mỏ cho Pertamina khiến công ty mẹ phải nhập dầu đắt hơn rất nhiều so với giá trên thị trường. Lãnh đạo của Petral đã làm rò rỉ thông tin giá dầu mỏ, khí đốt cho các nhà thầu, đồng thời sắp đặt một số cuộc đấu thầu và nhiều giao dịch lớn mà không hề có sự cạnh tranh công khai, minh bạch, quyền ưu tiên luôn thuộc về một số công ty thân quen của Petral. Giám đốc Soetjipto tuyên bố đã chuyển giao kết quả kiểm toán Petral cho Ủy ban Chống tham nhũng (KPK) Indonesia.
Hiện tại, Ban lãnh đạo Petral vẫn chưa thừa nhận bất kỳ hành vi sai trái nào. Trưởng phòng Tài chính và các vấn đề chung tại Petral Simson Panjaitan cho biết, ông không thể đưa ra lời bình luận nào về Báo cáo kiểm toán vì ông không được trực tiếp đọc báo cáo. Ông yêu cầu hãng kiểm toán KordaMentha đưa ra những bằng chứng rõ ràng hơn về vụ tham nhũng và bàn giao cho KPK. Ông cho biết, Petral hiện có 45 nhân viên, trong đó 13 nhân viên được điều chuyển từ Pertamina sang. Ông không muốn bất cứ nhân viên nào của Petral phải chịu tội oan.
Các quan chức trong Chính phủ ước tính có tới 5% nhiên liệu của Indonesia được nhập lậu và bán cho các nước láng giềng. Vừa qua, cảnh sát Indonesia đã bắt 4 người, trong đó có 1 quan chức của Pertamina vì buôn lậu nhiên liệu trong 5 năm liền, trị giá hàng triệu USD.
Trước đó, cố vấn cấp cao của Tổng thống Joko Widodo cho biết, ông Widodo đã lên kế hoạch ngừng mọi hoạt động tại Petral để tiến hành kiểm toán nhằm nỗ lực chống lại tình trạng buôn lậu nhiên liệu và tham nhũng. Pertamina đang tiếp tục thanh lý tài sản trị giá 483 triệu USD của Petral - đơn vị bị nghi ngờ là đầu mối của các hoạt động hối lộ, tham nhũng trong nhiều năm qua.
Từ khi nhậm chức Tổng thống Indonesia hồi tháng 8/2015, ông Widodo đã đưa ra kế hoạch hành động đầu tiên trong lĩnh vực năng lượng, nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc điều hành và đưa ra các quyết định đúng đắn, dứt khoát để cải cách công tác quản lý ngành năng lượng; đồng thời vạch rõ trách nhiệm của Pertamina trong việc mua nhiên liệu.
Năm 1962, Indonesia gia nhập Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tuy nhiên, tháng 5/2008, Indonesia đã tuyên bố rời khỏi OPEC; cuối năm đó, nước này trở thành quốc gia nhập khẩu dầu và không thể đạt được chỉ tiêu sản xuất dầu của họ. Tình trạng trên đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên e dè khi quyết định đầu tư vào thị trường này, dần khiến Indonesia trở thành nước nhập siêu nhiên liệu, đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thâm hụt tài chính hiện tại của đất nước.
Ông Soetjipto cho biết, dù cuộc kiểm toán Petral đã hoàn thành, Pertamina sẽ tiếp tục tiến hành điều tra những bê bối xoay quanh vụ việc. Cuộc kiểm toán đã tiết lộ một số nhân viên từ chối hợp tác trong việc cung cấp thông tin liên quan đến việc rò rỉ giá dầu. Tuy nhiên, Pertamina sẽ có hành động xử lý thích hợp và có thể sa thải bất kỳ nhân viên nào vi phạm quy định của công ty. Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia Sudirman Said khẳng định: Chính phủ đã mở một cuộc điều tra hình sự từ những phát hiện kiểm toán trên.
(Theo Reuters và Jakartaglobe)