Thừa nhận khoản lỗ 13.000 tỷ Rupi
Vừa qua, sau khi Công ty PT Asuransi Jiwasraya không thể thanh toán 16.000 tỷ Rupi Indonesia (IDR), tương đương 1,17 tỷ USD, cho khách hàng tham gia bảo hiểm, đồng thời tiết lộ khoản lỗ khoảng 13.000 tỷ IDR từ các khoản đầu tư thất bại trong nhiều năm qua, lực lượng công an Thủ đô Jakarta đã mở một cuộc điều tra hoạt động của Công ty này.
BPK Indonesia cũng ngay lập tức vào cuộc nhằm xem xét, tính toán các tổn thất về tài chính mà Nhà nước phải gánh chịu, song song với đó là điều tra các cá nhân có liên quan đến những bê bối tài chính tại đây. Kết quả của các cuộc điều tra, kiểm toán trên sẽ là cơ sở quan trọng để Chính phủ xem xét có “giải cứu” Jiwasraya hay không.
Bước đầu, cuộc kiểm toán của BPK cho thấy, những lỗ hổng trong hoạt động, những sai phạm tài chính tại Jiwasraya đã diễn ra từ rất lâu và liên tục trong một thời gian dài. Ngân sách của các quỹ tiết kiệm, ngân sách đầu tư cho các kế hoạch hoạt động, các sản phẩm của Công ty này đều bị thất thoát, biển thủ.
Sai lầm của Jiwasraya có thể bắt nguồn từ giai đoạn 2004-2006, khi Công ty vội vã mua lại cổ phần của Tập đoàn Bakrie trị giá 3.000 tỷ IDR mà không qua đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình hoạt động của Bakrie.
Trong quá trình kiểm toán Jiwasraya, các nhân viên của BPK đã phát hiện ra một số giao dịch mua bán cổ phiếu không minh bạch. Vào thời điểm đó, Bakrie đã tìm mọi cách, thậm chí cầm cố cổ phần của mình làm tài sản thế chấp cho Jiwasraya để Công ty này chuyển tiền mặt cho Bakrie. Sau đó, Jiwasraya còn mua cổ phần của các công ty thành viên khác thuộc Tập đoàn Bakrie, gồm: Bakrie Development, Darma Henwa, Bumi Resources, Bakrie Telecom và Capitalinc Investment.
Đáng chú ý, khi hết hạn cầm cố tài sản, các công ty thuộc Tập đoàn Bakrie đã không mua lại số cổ phần đã cầm cố cho Jiwasraya. Giá trị của tất cả các cổ phần bị cầm cố sau đó đã tụt dốc cùng một lúc. Jiwasraya cũng gặp rất nhiều khó khăn để thu hồi các khoản đầu tư vào các công ty thành viên của Bakrie. Hiện, Jiwasraya đang phải vật lộn để tìm ra nhiều phương án giải quyết số cổ phần trên.
Kiểm toán cần thận trọng khi xem xét vấn đề
Hiện, Bộ Tư pháp Indonesia đã công bố danh sách 5 nghi phạm chính trong vụ án tham nhũng tại Jiwasraya, 2 trong số đó là cựu Giám đốc Điều hành của Công ty. Bộ này nhấn mạnh rằng, BPK cần chặt chẽ, sát sao trong cuộc kiểm toán Jiwasraya. Kết quả kiểm toán cuối cùng sẽ được Bộ Tư pháp lấy làm căn cứ để điều tra và phanh phui tất cả các thủ phạm có liên quan đến tình trạng thất thoát tài chính suốt những năm qua tại đây. Chính phủ Indonesia cũng sẽ sử dụng những kết quả kiểm toán và điều tra trên để làm căn cứ quyết định có cứu vãn Jiwasraya hay không.
Một số kiểm toán viên của BPK cho rằng, cần tiến hành điều tra cả những thương vụ đầu tư của các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Bakrie có liên quan đến Jiwasraya. Nếu không tiến hành điều tra kỹ lưỡng, minh bạch, một số kẻ tham ô có thể lợi dụng chức quyền, tiền bạc nhằm trốn tội. Chính phủ cũng sẽ không thể thu hồi được những khoản thất thoát tài chính khổng lồ và nếu quyết định cứu Jiwasraya, Chính phủ sẽ buộc phải sử dụng các quỹ khác của Nhà nước.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ về sự chính xác của kết quả kiểm toán và nhấn mạnh về trách nhiệm của cơ quan kiểm toán. Năm 2013, BPK từng đưa ra những Báo cáo kiểm toán chưa chính xác và không nhất quán sau khi tiến hành kiểm toán Dự án Xây dựng Trung tâm thể thao Hambalang khiến Nhà nước bị thất thoát ít nhất 243,6 tỷ IDR. Trường hợp khác phải kể đến là vụ sụp đổ của Ngân hàng Century năm 2008 - một trong những vụ bê bối lớn nhất của Indonesia tính đến nay. Quá trình kiểm toán thiếu sót là một trong những nguyên nhân buộc Chính phủ phải đưa ra một gói cứu trợ 7.900 tỷ IDR. Liệu rằng kết quả kiểm toán của BPK sẽ là một trong những yếu tố quyết định tình huống tương tự như trên có thể xảy ra với Jiwasraya?
Cho nên, nếu xét thấy các kết quả điều tra của Bộ Tư pháp và BPK vẫn chưa thỏa đáng, không minh bạch, Hạ viện có thể thành lập một ủy ban kiểm tra có quyền điều tra đặc biệt để xem xét lại vụ việc tai tiếng này.
THANH XUYÊN