Kế hoạch kiểm toán có đảm bảo tính độc lập?

(BKTO) - Khi xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT), Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chủ động xin ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, đặc biệt phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ (TTCP) để tránh chồng chéo, trùng lặp. Thế nhưng, với việc xin ý kiến rất nhiều cơ quan, liệu KHKT có đảm bảo tính độc lập, khách quan?

quang-canh(1).jpg
Quang cảnh Phiên chất vấn sáng 05/6. Ảnh: ST

Đó là vấn đề đáng lưu ý trong số nhóm câu hỏi của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dành cho Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn liên quan đến tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.

Từng bước khắc phục chồng chéo

Tại phiên chất vấn sáng 05/6, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu) và đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn ĐBQH Hà Giang) đều phản ánh tình trạng chồng chéo về đối tượng hoặc nội dung giữa KTNN và TTCP, Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra địa phương; đồng thời đề nghị KTNN cho biết các giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này.

Liên quan đến nhóm vấn đề này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết: Luật KTNN năm 2019 đã bổ sung Điều 64a quy định về nguyên tắc xử lý chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán. Luật Thanh tra năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua cũng có rất nhiều điều quy định về xử lý hạn chế, chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, những năm gần đây, KTNN và TTCP đã phối hợp rất chặt chẽ. Năm 2020, hai cơ quan đã có Quy chế phối hợp số 1618 quy định cụ thể các nhóm giải pháp để hạn chế chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán. Cụ thể, hằng năm, trước ngày 31/7, KTNN xây dựng xong KHKT cho năm tiếp theo, gửi lấy ý kiến tất cả các Bộ ngành, địa phương có liên quan. Sau đó, KTNN hoàn thiện và gửi TTCP. Ban Cán sự đảng hai bên tổ chức họp để tránh chồng chéo trong khâu lập kế hoạch. Trên cơ sở kết quả cuộc họp, TTCP thực hiện việc hướng dẫn cho thanh tra các Bộ, ngành, thanh tra địa phương trong quá trình lập kế hoạch để tránh chồng chéo.

Nhằm xử lý khi chồng lấn giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán, KTNN đưa ra nguyên tắc, đối với các đầu mối kiểm toán chi tiết, đơn vị nào đã triển khai thì đơn vị đó tiếp tục làm và cung cấp hồ sơ, tài liệu cho đơn vị đến sau để không giảm chất lượng thanh tra, kiểm toán. KTNN và TTCP phối hợp trong việc chia sẻ dữ liệu, tận dụng kết quả của 2 bên để giảm thời gian, công sức trong quá trình thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, hai cơ quan cũng phối hợp trong việc đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và thanh tra; đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, trình độ, năng lực và đạo đức công vụ của thanh tra viên và kiểm toán viên.

Tổng Kiểm toán nhà nước thông tin thêm, theo quy định của Luật TTCP, trên cơ sở KHKT đã được thống nhất, TTCP có trách nhiệm hướng dẫn thanh tra Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch để hạn chế việc chồng chéo, trùng lặp. KTNN đã đưa ra phương châm của hoạt động kiểm toán là “gọn nhưng chất lượng” nhằm hạn chế các đoàn, đầu mối kiểm toán chi tiết; do đó, giảm được sự chồng chéo, trùng lặp với các cơ quan thanh tra. Thời gian tới, KTNN và TTCP sẽ phối hợp chặt chẽ, rà soát lại Quy chế số 1618 và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức triển khai, giảm thiểu trùng lặp, chồng chéo giữa các hoạt động thanh tra và kiểm toán.

Nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập

Như vậy, qua chia sẻ của Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và báo cáo của KTNN, có thể thấy, KTNN đã nỗ lực, tích cực phối hợp với TTCP để hạn chế tối đa tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra: “Khi xây dựng KHKT, KTNN đã phối hợp xin ý kiến trên 10 cơ quan. Với việc xin nhiều ý kiến như vậy, liệu rằng, tính độc lập, tính khách quan trong quyết định nội dung, đơn vị, phạm vi và giới hạn kiểm toán có được đảm bảo?” - đại biểu Phan Viết Lượng (Đoàn ĐBQH Bình Phước) đặt vấn đề.

Về vấn đề này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ: Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến 2030 kiểm toán 100% báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, ngành và địa phương. Mặt khác, Chiến lược cũng yêu cầu phải thực hiện kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin, phấn đấu đạt khoảng 40%. Các chủ đề được lựa chọn dựa trên chương trình giám sát của Quốc hội để phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội. Đơn cử, Quốc hội đang bàn chủ đề giám sát về chống biến đổi khí hậu thì trong năm 2024, KTNN cũng đã có KHKT chuyên đề toàn Ngành về việc quản lý, sử dụng kinh phí cho bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, KTNN phải kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và cân nhắc, xem xét đưa vào kế hoạch đề xuất kiểm toán của các đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân các cấp. “Việc xây dựng kế hoạch vẫn đảm bảo tính độc lập và tuân thủ theo quy định của pháp luật, không có gì bất cập và giảm tính độc lập của hoạt động kiểm toán” - Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định.

Cũng cần phải nói thêm rằng, độc lập là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI). Điều này đã được khẳng định trong Tuyên bố Lima (năm 1977). Nguyên tắc hoạt động của KTNN là “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” được đảm bảo bởi địa vị pháp lý trong Hiến pháp và Luật KTNN. Kể từ khi thành lập đến nay, KTNN đã chú trọng thực hiện các nguyên tắc và tính độc lập. Trong bối cảnh mà tham nhũng và quản lý các quỹ công vẫn còn là những thách thức như hiện nay, tính độc lập trong hoạt động của các SAI nói chung và KTNN Việt Nam nói riêng lại càng trở nên quan trọng, đặc biệt là trong xây dựng KHKT. Đây là nguyên tắc đầu tiên trong xây dựng KHKT hằng năm, KHKT trung hạn đã được Tổng Kiểm toán nhà nước quy định (Quyết định số: 02/2023/QĐ-KTNN).

Tuy nhiên, ngoài việc đảm bảo tính độc lập, việc xây dựng KHKT còn phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch; hệ thống, toàn diện, khả thi; tập trung, dân chủ; phối hợp tốt với các cơ quan trong hệ thống thanh tra, kiểm tra của Đảng và Nhà nước; hạn chế trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Bởi vậy, việc xin ý kiến các cơ quan liên quan là để thực thi các nguyên tắc đó và điều này không làm ảnh hưởng tới tính độc lập của KHKT./.

Hoạt động kiểm toán và thanh tra không chồng chéo

Hoạt động kiểm toán và thanh tra không chồng chéo
Nếu hiểu sâu dựa trên nhiều khía cạnh thì thấy rằng, hoạt động của KTNN và TTCP không chồng chéo. Thứ nhất, TTCP là một công cụ của Chính phủ, phát hiện các sai phạm trên cơ sở pháp luật. KTNN là một cơ quan độc lập do Quốc hội thành lập. Công việc chính của KTNN là đánh giá chất lượng các báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán, kiểm tra tất cả quy trình về kỹ thuật chứ không thiên về hướng xem xét có vi phạm hay không. Báo cáo kiểm toán cung cấp thông tin để phục vụ những việc tiếp theo quan trọng hơn nữa chứ không phải chỉ xử lý chuyện có vi phạm pháp luật.
Thứ hai, báo cáo kiểm toán cung cấp thông tin cho các cơ quan để đảm bảo trách nhiệm giải trình, tuân thủ pháp luật. Thứ ba, kết quả kiểm toán giúp cải thiện và nâng cao rất nhiều vấn đề của quản trị quốc gia, chứ không phải chỉ bảo đảm tính tuân thủ. Chúng ta thấy, báo cáo kiểm toán bao trùm hơn rất nhiều. Cuối cùng, báo cáo kiểm toán gần như là một người “gác cổng”. Điều này có tính răn đe rất lớn trong việc phòng, chống tham nhũng và vi phạm. Bởi vậy, vai trò của KTNN đối với quản trị quốc gia bao trùm hơn và quan trọng hơn rất nhiều.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Cùng chuyên mục
Kế hoạch kiểm toán có đảm bảo tính độc lập?