Có yếu tố trục lợi cá nhân
Portland là một DN xây dựng thuộc sở hữu nhà nước chuyên sản xuất, phân phối xi măng và các sản phẩm xây dựng liên quan đến xi măng. Kho bạc Kenya nắm giữ 25% cổ phần của EAPCC, Quỹ An sinh xã hội quốc gia Kenya chiếm 27% và Tập đoàn Xây dựng LafargeHolcim nắm giữ 41,7% cổ phần.
Báo cáo kiểm toán xem xét hoạt động của EAPCC trong năm tài chính 2015-2016 cho biết, do sự chậm chạp, trì trệ trong hoạt động quản lý, giám sát, và đặc biệt nhiều trường hợp mờ ám trong công tác thu chi ngân sách nên Ban Lãnh đạo Portland đã không công bố các Báo cáo tài chính của mình đúng hạn. Báo cáo kiểm toán đồng thời chỉ ra rằng, lợi nhuận ròng của công ty đã giảm gần một nửa, xuống còn 4,2 tỷ KES so với năm tài khóa trước đó.Ông Ouko cho biết hiện tại, EAPCC đang có một số khoản nợ ngắn hạn lên tới 4,96 tỷ KES, trong khi tài sản của Công ty chỉ là 2,11 tỷ KES, do đó, có thể khẳng định rằng Công ty dường như không có khả năng trả nợ. Dù được gia hạn tất toán các khoản nợ thêm một năm, thậm chí lâu hơn nữa, EAPCC cũng không có khả năng thanh toán số tiền khổng lồ trên.
Báo cáo kiểm toán cũng chỉ ra những bằng chứng cho thấy, một số lãnh đạo và nhân viên của công ty đã lợi dụng những kẽ hở luật pháp, cố tình phóng đại giá trị cổ phiếu của công ty nhằm trục lợi cá nhân. Trong danh mục chi tiêu ngân sách của EAPCC có nhiều giao dịch đáng ngờ, nhiều khoản chi bừa bãi vào việc mua cổ phiếu.
Chi phí mua nhiều trang thiết bị cho Công ty đã bị các nhân viên phụ trách thổi phồng nhằm bỏ túi những khoản tiền lớn. Đặc biệt, trong một trường hợp, một mục chi ngân sách với chi phí thực tế là 1,93 triệu KES đã bị ghi khống lên tới gần 10 lần (19,2 triệu KES). Chính những giao dịch gian lận nghiêm trọng trên đã góp phần đẩy EAPCC vào tình trạng khủng hoảng tài chính như hiện tại. Tình hình quản lý nhân lực công ty cũng vô cùng rối ren, nhiều đối tượng lao động của EAPCC được trả hàng triệu KES tiền lương, thưởng, trợ cấp các loại, tuy nhiên thực tế số tiền này không hề được phân bổ đến các phòng ban làm việc.
Nợ vượt quá tầm kiểm soát
Tổng Kiểm toán cho hay, trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6/2016, EAPCC đã phát sinh một khoản lỗ lên tới 1,68 tỷ KES, các khoản nợ ngắn hạn của Công ty đã vượt 2,84 tỷ KES tài sản hiện tại của Công ty. Tình trạng nợ xấu nghiêm trọng cùng nhiều vấn đề rắc rối, nan giải khác trong hoạt động của Công ty suốt thời gian qua đặt ra nghi vấn liệu Chính phủ Kenya có nên mạo hiểm và lãng phí khi muốn cứu lấy EAPCC đồng thời tạo điều kiện giúp Công ty tiếp tục hoạt động nữa hay không. Ông Edward Ouko cho biết, đã nhận được Báo cáo kiểm toán hoàn thiện từ hãng tư vấn Deloitte vào ngày 8/11 vừa qua nhưng đến nay ông vẫn chưa đưa ra ý kiến đánh giá của cá nhân mình về vấn đề trên.
Ban Lãnh đạo Portland đều đồng tình với những kết luận trong Báo cáo kiểm toán và cùng bày tỏ quan ngại về khả năng EAPCC sẽ không thể trả nổi khoản nợ “ngoài tầm kiểm soát” trên; tuy nhiên, Công ty vẫn đang nỗ lực hết sức nhằm giải quyết phần nào những vấn đề đang tồn đọng trong nội bộ. EAPCC đang tiến hành và dự định sẽ hoàn thành toàn bộ sổ sách, báo cáo về tình hình hoạt động, tình hình tài chính... vào tháng 6/2017.
Nhấn mạnh tình hình tài chính khủng hoảng đáng báo động của EAPCC, Báo cáo của Deloitte cũng cảnh báo những nguy hiểm tiềm tàng đối với Công ty khi dường như toàn bộ hệ thống hoạt động đã rơi vào tình trạng không thể cải thiện được. Trước đây, EAPCC đã từng nhiều lần để xảy ra các vấn đề lùm xùm liên quan đến tình hình tài chính của Công ty. Tại cuộc họp thường niên diễn ra vào tháng 12/2013, các cổ đông đã tranh cãi gay gắt về tình hình quản lý hoạt động yếu kém và thu - chi mập mờ của Công ty, đồng thời đề nghị cần thường xuyên tiến hành các cuộc kiểm toán hơn nữa nhằm vạch trần những hành vi tham nhũng nghiêm trọng cũng như mong chờ những khuyến nghị kiểm toán sẽ góp phần cải thiện tình hình hoạt động của Công ty.
(Theo Asokoinsight và Sokodirectory)