70% xe chạy rỗng một chiều
Theo thống kê, tính đến 30/6, cả nước có trên 24.580 DN được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, với số lượng phương tiện gần 220.000 xe. Trong đó, đa số các DN vận tải có quy mô nhỏ, thậm chí nhiều đơn vị vận tải chỉ có 1-2 xe nên không xây dựng được thương hiệu, hoạt động chủ yếu dựa vào một số lượng nhỏ khách hàng hoặc hàng hóa quen thuộc. Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải này thường không tổ chức mạng lưới kinh doanh, không có kênh thông tin để giao tiếp với khách hàng nên tỷ lệ xe chạy rỗng nhiều dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao.
Phát triển các sàn giao dịch vận tải là giải pháp tạo thị trường kết nối giữa các DN vận tải với hành khách Ảnh: TK
Kết quả khảo sát, tính toán của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (GTVT) cũng cho thấy, có khoảng 70% số chuyến xe vận tải hàng hóa chở hàng chạy rỗng một chiều, làm chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ tăng thêm khoảng 30%. Thêm vào đó, các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ nhưng phải có bộ máy quản lý dẫn đến chi phí tính trên đầu phương tiện vận tải lớn. Hơn nữa, các phương thức vận tải chưa được khai thác hiệu quả dẫn đến thị phần vận tải đổ dồn về đường bộ; vẫn còn một số lượng lớn các phương tiện vận tải quá cũ tham gia hoạt động làm tăng chi phí vận tải do phải sửa chữa đột xuất, mức tiêu hao nhiên liệu tăng, thời gian chạy bị kéo dài. Hạ tầng giao thông đường bộ ở một số tuyến đã xuống cấp, ùn tắc thường xuyên xảy ra làm giảm tốc độ vận chuyển, tăng chi phí vận tải.
Lý giải thêm nguyên nhân chi phí vận tải còn ở mức cao, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, do năng suất vận tải rất thấp, hạ tầng giao thông bất cập, cơ chế quản lý chưa minh bạch dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến việc khuyến khích các DN nâng cao quy mô, năng lực quản trị.
Phát triển các sàn giao dịch vận tải
Để giảm chi phí vận tải đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất, đẩy nhanh lộ trình thực hiện tái cơ cấu vận tải, đồng thời đưa ra các giải pháp để điều tiết hoạt động giữa các phương thức vận tải, góp phần vào việc giảm giá thành.
Đặc biệt, việc đẩy mạnh phát triển các sàn giao dịch vận tải được xem là giải pháp hữu hiệu để tạo thị trường kết nối giữa người vận chuyển và người có nhu cầu vận chuyển, hạn chế các chuyến xe rỗng. Sàn giao dịch vận tải sẽ kết nối tất cả các phương thức vận tải để khai thác hợp lý vận tải đa phương thức.
Dự kiến trong năm 2016, hai sàn giao dịch vận tải sẽ chính thức hoạt động ở Hà Nội và TP. HCM, sau đó sẽ nhân rộng thêm tại các địa phương. Giai đoạn đầu đi vào hoạt động, Tổng cục tạo mọi điều kiện kết nối các Sở GTVT với DN, chủ hàng.
Bàn về giải pháp giảm chi phí vận tải, đại diện Sàn giao dịch vận tải hàng hóa đầu tiên tại Việt Nam - Vinatrucking cho biết, thực tế hoạt động của sàn giao dịch vận tải cho thấy lợi ích rất rõ. Nếu giao dịch qua sàn và đảm bảo có cả hàng chiều đi lẫn chiều về, có thể giảm tới 30% chi phí.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, điều quan trọng là phải nâng cao được năng suất vận tải, hệ số quãng đường, hệ số trọng tải. Vì thế, cần phát huy, nâng cao hiệu quả của các sàn giao dịch vận tải, nâng tốc độ xe chạy để tăng khả năng quay vòng phương tiện và tạo cơ chế để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, không để tình trạng xe chở quá tải, xe dù, trá hình xe tuyến cố định như hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để sàn giao dịch vận tải hoạt động hiệu quả, nhất thiết các DN vận tải tham gia phải xác định tinh thần bình đẳng, trung thực, tính hợp tác cao. Nếu tham gia vào sàn mà đem theo tư tưởng mạnh ai người ấy làm, hoặc đưa lên thông tin ‘ảo’ thì rất khó phát triển.