DN chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, xu hướng nhiều DN lớn chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp là tất yếu, nhằm tận dụng những lợi thế về điều kiện tự nhiên của đất nước. Đại diện cho làn sóng đầu tư mạnh mẽ này là Tập đoàn Vingroup với thương hiệu VinEco nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn vì sức khỏe của người dân Việt. Hiện tại, Vingroup đã đầu tư nhiều dự án trồng rau an toàn lớn tại Vĩnh Phúc, TP. HCM, Hải Phòng. Trước Vingroup, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng trồng cao su, mía, nuôi hàng trăm nghìn con bò thịt. Tập đoàn Him Lam cũng đã liên kết với ngân hàng và chọn cây mắc ca để đầu tư với tổng giá trị đề án khoảng 20.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, được xem như “vua nông sản” tại Việt Nam, tính đến năm 2015, Công ty cổ phần Phúc Sinh là DN xuất khẩu tiêu lớn nhất nước ra thế giới với 8% thị phần; nằm trong Top 10 các DN xuất khẩu cà phê ở Việt Nam; tổng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt trên 240 triệu USD.
Hiện chỉ có 1% số DN đầu tư vào nông nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình tái cơ cấu.Ảnh: TK
Tương tự, với ngành chế biến gỗ xuất khẩu, tại nhiều địa phương, các DN đã đầu tư dây chuyền thiết bị để sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng, gỗ cao su và sản xuất sản phẩm xuất khẩu từ phế liệu, mùn cưa, dăm gỗ. Do vậy, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung năm 2015 đạt 12.800 m3, góp phần cung cấp nguyên liệu cho chế biến. Theo thống kê, qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng trưởng mạnh, trung bình đạt 6,2 tỷ USD/năm; riêng năm 2015 đạt 7,1 tỷ USD và 6 tháng đầu năm ước đạt 3,3 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của ngành này từ trước đến nay.
Cần thêm những chính sách đột phá
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, mặc dù số DN đầu tư vào nông nghiệp có tăng lên đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Hiện nay mới chỉ có 1% số DN đầu tư vào nông nghiệp, trong đó 90% là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Do vậy, thu hút DN đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào nông nghiệp vẫn đang là yêu cầu cần thiết.
Kinh nghiệm từ việc thu hút các DN lớn trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp đã chỉ ra rằng, Nhà nước phải tạo ra những chính sách có tính đột phá để mời gọi DN. Bởi lĩnh vực nông nghiệp xưa nay vẫn là “điểm trũng” trong kêu gọi đầu tư, khi lợi nhuận thu hồi chậm và rủi ro rất lớn.
Đồng tình với quan điểm trên, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với Bộ NN&PTNT về tái cơ cấu nông nghiệp mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, hiện Bộ đang xây dựng Nghị định về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp với nhiều lĩnh vực được ưu đãi đầu tư lớn. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổ chức sơ kết việc thực hiện Nghị định 210/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách thu hút tư nhân đầu tư nào nông nghiệp nông thôn để rà soát, điều chỉnh nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Khẳng định vai trò của DN và quyết tâm tạo cơ chế thuận lợi nhất cho DN đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức hình thành 3 trục phát triển. Trục thứ nhất, ở cấp quốc gia sẽ lựa chọn 10 sản phẩm có lợi thế để chiếm lĩnh thị trường quốc tế; trục thứ 2, chú trọng các sản phẩm cấp tỉnh có tính chất đặc thù địa phương, hướng đến thị trường nội và xuất khẩu; trục thứ 3 là những sản phẩm quy mô cấp địa phương, theo hướng mỗi làng một sản phẩm. Trong cả 3 trục sản phẩm đó, DN đóng vai trò trụ cột. Bộ sẽ thiết kế khung chính sách ưu đãi để đáp ứng yêu cầu phát triển 3 trục trên, nhằm tạo điều kiện cho DN trở thành yếu tố chủ lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
THANH TÙNG