Kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn

(BKTO) - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn năm 2022.

5.png
Các đơn vị ký kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn. Ảnh:thanhhoa.gov.vn

Năm 2022, sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Phần lớn sản lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được duy trì ở mức ổn định, một số sản phẩm năm sau cao hơn năm trước.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 236 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 51 sản phẩm 4 sao và 184 sản phẩm 3 sao.

Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành, nhân rộng, tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn.  Đồng thời, các mô hình mới với cách làm sáng tạo xuất hiện, được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia.

Nhiều vùng sản xuất an toàn, chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn có giá trị kinh tế cao được phát huy hiệu quả, hình thành mối liên kết giữa sản xuất - cung ứng và tiêu thụ thực phẩm an toàn, tạo tiền đề cho chuỗi liên kết, cung ứng nông sản, thực phẩm phát triển bền vững.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cho rằng, để  phát huy những kết quả đạt được, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, kết nối các cơ sản xuất với cơ sở tiêu thụ, các sở, ngành, các địa phương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP.

Tăng cường công tác quản lý,  hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm; lồng ghép các hoạt động cung - cầu vào các chương trình, đề án, kế hoạch để thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, quảng bá giới thiệu, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm của các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là thương mại điện tử.

Các địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả cao theo chuỗi giá trị và gắn với thị trường; tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ dân; phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương.

Nhân dịp này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021 và năm 2022./.

Cùng chuyên mục
Kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn