Kết nối tài chính khu vực ASEAN sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp

(BKTO) - Việc kết nối các thành viên ASEAN trong hoạt động thương mại, đầu tư, dịch vụ tài chính sẽ giúp cộng đồng DN trong khối nói chung và DN Việt Nam có cơ hội đầu tư và tiếp cận các dịch vụ tài chính mới trong ASEAN.



Duy trì đà tăng trưởng kinh tế của ASEAN

Trong năm vừa qua, việc hợp tác tài chính trong khối ASEAN đã đạt được một số kết quả. Về hợp tác hải quan, các nước thành viên ASEAN đang vận hành Cơ chế Một cửa ASEAN (ASW) với kỳ vọng toàn bộ thành viên sẽ tham gia trao đổi Giấy Chứng nhận xuất xứ của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN mẫu D qua hệ thống này.

Về hợp tác thuế, các bộ trưởng hoan nghênh báo cáo nghiên cứu về cơ cấu thuế khấu trừ tại nguồn đối với lãi vay của ASEAN và đề nghị Diễn đàn Thuế ASEAN tiếp tục thảo luận về kế hoạch hành động phù hợp để thực hiện khuyến nghị của nghiên cứu này. Trong lĩnh vực bảo hiểm, các nước đã thông qua Sổ tay hướng dẫn các công ty bảo hiểm ASEAN cung cấp qua biên giới bảo hiểm hàng hải, hàng không và hàng hóa quá cảnh (MAT). Về hợp tác phát triển thị trường vốn, các nước đã thống nhất ra mắt Thẻ Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF PASS)... Đây vẫn là những lĩnh vực tiếp tục được ưu tiên thực hiện trong hợp tác tài chính giữa các nước ASEAN trong thời gian tới.

Kết quả nổi bật trong lĩnh vực tự do hóa dịch vụ tài chính là việc các nước ký Nghị định thư thực hiện Gói cam kết Vòng VIII về tự do hóa dịch vụ tài chính ASEAN. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của ASEAN trong việc tạo điều kiện tiếp cận thị trường cung cấp các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán. Thời gian tới, các nước trong khu vực sẽ tiếp tục thúc đẩy tự do hóa dịch vụ tài chính thông qua việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và đàm phán Gói cam kết Vòng IX.

Về kinh tế vĩ mô, năm 2018, tăng trưởng GDP tổng thể của khu vực ASEAN tiếp tục duy trì mức ổn định khoảng 5,1%, giảm nhẹ so với tốc độ tăng trưởng 5,3% của giai đoạn 2017-2018; lạm phát tiếp tục duy trì ổn định ở mức 2%. Thương mại khu vực ASEAN vẫn tiếp tục đà tăng trưởng với tốc độ chậm. Tổng giá trị thương mại hàng hóa năm 2018 ước tính là 157,3 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm trước, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 15% của năm 2017. Về đầu tư, theo số liệu của nửa đầu năm 2018, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào ASEAN ở mức 68,4 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Mang lại thuận lợi cho các quốc gia thành viên

Theo Bộ Tài chính, những hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán, bảo hiểm... trong khu vực ASEAN đã mang lại lợi ích chung và tiết kiệm chi phí cho người dân và DN của Việt Nam. Cụ thể: về thương mại, việc kết nối tất cả thành viên ASEAN vào Hệ thống ASW giúp tăng cường kết nối hạ tầng ASEAN, nhờ đó, DN có thêm nhiều cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, việc Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục thuế, hải quan đã tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Qua đó, các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Còn đối với các nước thành viên, nỗ lực của các nước để hướng tới hoàn thành các mạng lưới song phương về Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (DTA) sẽ tạo ra môi trường đầu tư thống nhất trong ASEAN. Việc thúc đẩy ký kết Hiệp định RCEP cũng sẽ tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, tạo đà tiếp tục gia tăng chuỗi giá trị trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Về dịch vụ, việc ký kết Gói cam kết Vòng VIII về tự do hóa dịch vụ tài chính ASEAN và những hoạt động thúc đẩy đàm phán Gói cam kết Vòng IX cũng như việc ký kết các hiệp định dịch vụ mới sẽ giúp mở rộng việc tiếp cận thị trường trong khu vực. Mức độ mở cửa dịch vụ tài chính của một số nước thành viên có nhiều tích cực, đó là: Campuchia tự do hóa một số dịch vụ chứng khoán như: quản lý tài sản, tư vấn và nghiên cứu danh mục đầu tư, cung cấp và chuyển thông tin tài chính; Myanmar mở cửa dịch vụ tái bảo hiểm thiên tai... Qua đó, cộng đồng DN sẽ có cơ hội đầu tư và cung cấp dịch vụ tài chính trong ASEAN, người dân sẽ được hưởng lợi từ việc kết nối tài chính trong khu vực…

Theo lộ trình hợp tác tài chính khu vực ASEAN, năm 2019, 10 nước thành viên ASEAN sẽ cam kết “Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì bền vững” với trọng tâm “Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm với 10 nước thành viên cùng tiến lên phía trước và không ai bị tụt lại phía sau”. Theo đó, việc hợp tác tài chính trong năm 2019 sẽ thông qua 3 khía cạnh trọng tâm là: tăng cường kết nối ASEAN thông qua thúc đẩy thương mại và đầu tư, kết nối tài chính và thanh toán; một ASEAN tự cường khi hội nhập vào “ASEAN số”; đảm bảo tài chính bền vững và toàn diện để tạo lập “Một ASEAN bền vững”.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 23, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng T.Ư ASEAN lần thứ 5 và các hội nghị liên quan được tổ chức hồi đầu tháng 4 vừa qua tại Thái Lan, các bộ trưởng đã dự báo triển vọng và thách thức đối với kinh tế vĩ mô cho khu vực ASEAN năm 2019. Theo đó, về tăng trưởng kinh tế, sự lớn mạnh của nhu cầu nội địa và đầu tư trong nước sẽ tiếp tục hỗ trợ cho kinh tế khu vực, bất chấp tình hình căng thẳng thương mại đang diễn ra, đồng thời làm suy yếu thương mại bên ngoài và những bất ổn toàn cầu. Thương mại của khu vực trong ngắn hạn, đặc biệt là hai nước Việt Nam và Indonesia có thể hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong hoạt động sản xuất hàng hóa trung gian, được tích hợp cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, xét về dài hạn, tình hình căng thẳng vẫn sẽ gây ra những khó khăn cho khu vực nhiều hơn là đem lại lợi ích ngắn hạn. Về đầu tư, năm 2018, dòng vốn FDI vào khu vực ASEAN sẽ tiếp tục gia tăng do sự gia tăng đáng kể trong các hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên biên giới cũng như hoạt động đầu tư vào các dự án xanh mới.

MINH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019
Cùng chuyên mục
  • Thị trường bất động sản công nghiệp:  Cơ hội và thách thức
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo nhận định từ các chuyên gia, thị trường bất động sản công nghiệp (BĐSCN) ở Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ và bùng nổ. Xu hướng dịch chuyển đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, cùng với các chính sách, khung pháp lý được hoàn thiện đã tạo những cơ hội rất lớn cho phân khúc BĐS này.
  • Thúc đẩy đầu tư, kinh doanh  bằng chính sách thuận lợi
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Tờ trình gửi Chính phủ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định, mặc dù Luật Đầu tư và Luật DN đã có nhiều cải cách theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh sau gần 4 năm thi hành, nhưng thực tiễn cho thấy, một số quy định còn thiếu tính khả thi, minh bạch và hiệu quả.
  • Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
  • Đẩy mạnh xuất khẩu nhờ tận dụng chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 243,5 tỷ USD năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) đạt 46,2 tỷ USD và chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi tương đối ổn định và cũng tương ứng với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đã có FTA với Việt Nam.
  • Giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa:  Các tiêu chí ưu đãi liệu có phù hợp?
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập DN hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và vừa (DNNVV), Bộ Tài chính đã căn cứ vào tiêu chí doanh thu và số lượng lao động của DN để giảm thuế. Tuy nhiên, việc dựa trên những tiêu chí này lại chưa nhận được sự đồng tình của các chuyên gia.
Kết nối tài chính khu vực ASEAN sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp