Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, đề bạt, xử lý cán bộ

(BKTO) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu 5 địa phương phải xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2023. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ, cũng như xử lý những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ…

1.jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Chính phủ

Ngày 24/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Tổ trưởng Tổ công tác số 1 - đã họp với 5 địa phương (TP. HCM, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng) có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Địa phương nhận trách nhiệm

Báo cáo tổng hợp tình hình phân bổ, giải ngân của 5 địa phương thuộc Tổ công tác số 1 cho thấy, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao là 92.917,98 tỷ đồng. Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương là 67.268,66 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương 25.649,32 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số giải ngân của 5 địa phương đến hết tháng 3/2023 là hơn 2.553 tỷ đồng, đạt 2,74% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung cả nước (10,35%). Trong số này, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang giải ngân trên 5%, riêng TP. HCM giải ngân rất thấp, chỉ đạt 0,89%.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc giải ngân vốn đầu tư công tại TP. HCM chậm; nêu các nguyên nhân chủ quan như: Khâu chuẩn bị hồ sơ, giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, khâu tổ chức thực hiện cũng có một số trường hợp chủ đầu tư thiếu phối hợp với nhà thầu và địa phương để triển khai công việc.

Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, việc này Thành phố đã có chấn chỉnh. Vừa qua, Thường vụ Thành ủy TP. HCM đã thành lập 13 Tổ kiểm tra, đôn đốc 38 công trình, dự án trọng điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch TP. HCM, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật… cũng cần phải có thời gian để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật. TP. HCM cam kết sẽ nỗ lực để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.

Một lần nữa nhấn mạnh trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công thuộc về địa phương, ông Mãi cho biết, TP. HCM tổ chức giao ban hằng tuần về công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc đánh giá tiến độ từng việc, từng dự án. TP. HCM sẽ “nỗ lực từng ngày” để thực hiện mục tiêu đề ra là giải ngân không dưới 95% trong năm 2023.

Đại diện các địa phương cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo cụ thể về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện của các dự án; đồng thời cập nhật thêm số liệu giải ngân; nêu các kiến nghị xử lý vướng mắc đối với Bộ ngành và giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, nhất là đối với những công trình trọng điểm.

Các địa phương cam kết với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ nỗ lực cao nhất để giải ngân đạt kế hoạch đề ra trong năm 2023.

Đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phân tích thêm các nguyên nhân về pháp lý, công tác tổ chức thực thi, đồng thời giải đáp một số các kiến nghị của các địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

2.jpg
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải phát huy vai trò của cán bộ trong giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Chính phủ

Lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp phụ trách các dự án, công trình trọng điểm

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, tuy 5 địa phương đã nhiều cố gắng, nhưng kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2023 chưa được như mong muốn.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến đối với kiến nghị của địa phương về xử lý các vướng mắc: Kế hoạch đầu tư công trung hạn; công tác giải phóng mặt bằng; định mức lập dự án trong một số lĩnh vực chuyên ngành, đặc biệt là công nghệ thông tin; kéo dài thời gian bố trí vốn, thời hạn giải ngân; hướng dẫn về trình tự, thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư dự án, phê duyệt các dự án hỗ trợ thuộc thẩm quyền địa phương; điều chỉnh dự án liên quan đến tổng mức đầu tư; sử dụng nguồn chi sự nghiệp thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể…

Về tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc chuẩn bị đầu tư phải được thực hiện sớm. Bởi trong công tác đầu tư công khâu chuẩn bị đầu tư là khó nhất, phải lường trước tất cả các vấn đề để đưa vào kế hoạch như: khâu giải phóng mặt bằng; di dời hạ tầng kỹ thuật; đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; giao thầu, triển khai dự án; năng lực của các Ban quản lý dự án…

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các địa phương phải hết sức sát sao, quyết liệt. Đối với các nguyên nhân chủ quan, phải tập trung khắc phục triệt để mới có thể đẩy nhanh được tiến độ dự án.

Đối với việc triển khai công trình trọng điểm, Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đề nghị các Bộ ngành, địa phương bám sát các nội dung này để triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo mục tiêu đề ra.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2023. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ, cũng như xử lý những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ…

Nhấn mạnh việc thành bại là ở cán bộ, nhất là trong thời điểm hiện nay có những cán bộ e ngại, sợ trách nhiệm, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải phát huy vai trò của cán bộ, phân công công việc rõ ràng, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, chất lượng công việc để kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.

Bên cạnh đó, phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường trách nhiệm hơn nữa. Lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp phụ trách, đôn đốc triển khai các nhóm dự án cụ thể, nhất là các dự án, công trình trọng điểm.

Các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư trong triển khai dự án, phân loại rõ các nhóm dự án để kịp thời có các giải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cố gắng đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp lại số liệu của các địa phương cho sát với tình hình thực tế, nhất là số liệu về giải ngân và phân bổ vốn; tiếp thu ý kiến của các Bộ ngành, địa phương, hoàn thiện Báo cáo của Tổ công tác số 1 để trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định./.

Cùng chuyên mục
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, đề bạt, xử lý cán bộ