KTNN Việt Nam vừa kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (11/7/1994 - 11/7/2024). Qua 30 năm hoạt động, địa vị pháp lý của KTNN đã từng bước được nâng tầm, với yêu cầu, kỳ vọng ngày càng cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân; từ là “cơ quan thuộc Chính phủ” sang “cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập” và đến nay được hiến định trong Hiến pháp là “cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.
Từ khi thành lập đến nay, ngoài các kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với những sai phạm, những hành vi tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý khoảng 740.000 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng trên 40%; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 2.200 nội dung/văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không phù hợp, mâu thuẫn hoặc chồng chéo.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công
Theo quy định của Luật KTNN “Báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”; đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm “Thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán…; thực hiện biện pháp để khắc phục yếu kém trong hoạt động của mình theo kết luận, kiến nghị của KTNN…”. Việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tác động tới hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công qua 4 nhóm kiến nghị.
Một là, kiến nghị xử lý tài chính: Kiểm soát chặt chẽ việc huy động, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo không thất thu, các nguồn lực công được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, không thất thoát, lãng phí.
Hai là, kiến nghị chấn chỉnh rút kinh nghiệm: Chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các cơ quan, đơn vị được kiểm toán.
Ba là, kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm: Xử lý nghiêm đối với những sai phạm, những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; qua đó nâng cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật tài chính.
Bốn là, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật: Khắc phục kịp thời “lỗ hổng”, hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo đồng bộ, đầy đủ và phù hợp với thực tiễn, tránh thất thoát, lãng phí; góp phần làm minh bạch, lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Hỗ trợ tích cực cho công tác giám sát, đảm bảo tính minh bạch trong quản trị quốc gia
Hoạt động kiểm toán luôn bám sát hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, hằng năm, trong đó tập trung vào các vấn đề được Quốc hội, cử tri đặc biệt quan tâm, các chủ trương/chính sách lớn của đảng, Nhà nước, các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí, các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; kết quả kiểm toán đã cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu phục vụ hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Trong những năm gần đây, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có đổi mới về thành phần tham gia, trong đó có đại diện KTNN tham gia với tư cách là thành viên, căn cứ vào các kết quả kiểm toán các thành viên Đoàn giám sát thuộc KTNN cung cấp thông tin, các vấn đề lưu ý đối với từng lĩnh vực cho Đoàn giám sát để giúp Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát “đúng”, “trúng”, đi vào chiều sâu đối với những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Phục vụ đắc lực cho công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia
Thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN đã tập trung, tăng cường kiểm toán đạt 90% báo cáo quyết toán ngân sách các Bộ, cơ quan trung ương, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương. Qua kết quả kiểm toán hằng năm, trong đó có kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, đã góp phần công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, là cơ sở để Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, việc tham gia ý kiến đối với dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; tham gia xây dựng các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến quản lý tài chính công, tài sản công đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử một cách chủ động, “từ sớm, từ xa” ngay từ khi hoạch định chính sách, ban hành quy định pháp luật, trước khi quyết định phân bổ, sử dụng các nguồn lực công.
Ghi nhận vai trò, đóng góp của KTNN, mục tiêu tổng quát trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt là “Phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính, tài sản công của Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030”. Đây là vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi KTNN cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế và có những giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán đáp ứng được kỳ vọng ngày càng cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.