Sáng 27/7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” đã làm việc với Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Thanh tra Chính phủ về các vấn đề liên quan đến nội dung giám sát.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh tham dự cuộc làm việc.
Tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát đã nghe đại diện Thanh tra Chính phủ và KTNN báo cáo kết quả và kiến nghị liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao các báo cáo của KTNN và Thanh tra; ghi nhận sự chuẩn bị báo cáo, gửi báo cáo bổ sung và các tài liệu cho Đoàn giám sát được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo yêu của của Đoàn, nhất là báo cáo của KTNN rất cụ thể, chi tiết.
Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị đánh giá sâu sắc hơn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của KTNN và Thanh tra Chính phủ, rà soát lại toàn bộ kiến nghị, kết luận, nhấn mạnh thêm kết quả khắc phục các kết luận thanh tra và kiến nghị của kiểm toán. Đồng thời cần cập nhật thêm thông tin sát với tình hình thực tiễn, cập nhật thông tin của các Bộ, ngành, địa phương.
Các ý kiến cũng đề nghị KTNN và Thanh tra Chính phủ quan tâm thêm nội dung liên quan đến: cơ chế tài chính, cơ chế giá mua bán điện, giá truyền tải điện (cân đối giữa nguồn và lưới); cân đối tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; quản lý quy hoạch…; các nội dung về năng lượng gắn với các chính sách giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng…; quan tâm đến khảo sát, lập, thẩm định, nghiệm thu các dự án về năng lượng; quan tâm đến các dự án năng lượng tái tạo…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, hai cơ quan đã rất trách nhiệm trong việc xây dựng báo cáo gửi Đoàn giám sát, đã bổ sung thông tin khi Đoàn có yêu cầu thêm, qua đó giúp Đoàn giám sát có thêm thông tin và chuẩn bị Nghị quyết của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Trong kỳ giám sát, hai cơ quan đã thực hiện nhiệm vụ của mình trong thanh tra, kiểm toán để đảm bảo các quy định pháp luật, đảm bảo kỷ cương phép nước.
Các kiến nghị, đề xuất của KTNN rất cụ thể, đây là nội dung cần thiết và quan trọng để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong quá trình hoàn thiện thể chế. Nội dung báo cáo của KTNN được chuẩn bị kỹ lưỡng, là chất liệu rất tốt giúp Đoàn giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chuẩn bị Nghị quyết của Đoàn giám sát.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường
Để giải quyết căn cơ những bất cập hiện nay, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, với chức năng, nhiệm vụ của TTCP và KTNN, cần tiếp tục đảm bảo kỷ luật kỷ cương trong thực thi pháp luật và trong thúc đẩy phát triển năng lượng. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
Đặc biệt, cần nghiên cứu thanh tra, kiểm toán chuyên sâu về vấn đề giá điện, công khai minh bạch để báo chí, cử tri hiểu hơn nhằm tránh tình trạng suy diễn.
Từ các ý kiến của Đoàn giám sát, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy đã giải trình, làm rõ các vấn đề thuộc trách nhiệm của ngành.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của Thanh tra Chính phủ, KTNN phục vụ cuộc làm việc. Việc tham gia tích cực của Thanh tra Chính phủ và KTNN đối với hoạt động của Đoàn giám sát là một trong những nội dung đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội.
Kết quả kiểm toán và kết quả thanh tra cung cấp những bằng chứng tin cậy về kết quả đạt được cũng như những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng; là căn cứ quan trọng để Đoàn giám sát xây dựng Báo cáo và Nghị quyết về giám sát năng lượng.
Đoàn giám sát ghi nhận và biểu dương sự tham gia tích cực của hai cơ quan vào hoạt động giám sát của Quốc hội, đặc biệt là KTNN. Ngoài cung cấp thông tin, các báo cáo, KTNN còn cử người tham gia tích cực vào các Đoàn giám sát tại các Bộ, ngành và địa phương, đóng góp nhiều ý kiến.
Qua các báo cáo của hai cơ quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Thanh tra Chính phủ và KTNN cần thống kê và xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới (tên văn bản; nội dung sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới; lý do sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới; thời hạn thực hiện, cơ quan chủ trì); danh mục các dự án năng lượng trọng điểm chậm tiến độ, có khó khăn, vướng mắc, sai phạm nếu có (tên dự án, nội dung cơ bản về dự án, cơ quan chủ trì, mục tiêu, thời hạn thực hiện, tiến độ, nội dung khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ).
Đặc biệt, hai cơ quan cần bổ sung, làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển năng lượng đối với Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh đối với những hạn chế, bất cập, vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm toán./.