Những kết quả kiểm toán ấn tượng
Năm 2022, KTNN khu vực I được Tổng Kiểm toán nhà nước giao thực hiện 15 cuộc kiểm toán. Phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động, đổi mới trên cơ sở bám sát kinh nghiệm của các năm trước, KTNN khu vực I đã xây dựng Phương án tổ chức kiểm toán năm 2022 theo đúng yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước, các chỉ đạo, hướng dẫn của Ngành về hoạt động kiểm toán.
Kế hoạch kiểm toán được triển khai đến các phòng trực thuộc đảm bảo nguyên tắc công khai, công bằng gắn với luân chuyển đơn vị kiểm toán. Theo Phó Kiểm toán trưởng KTNN Bùi Thanh Lâm, bám sát chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước và các quy định của Ngành, của Trung ương, KTNN khu vực I tiếp tục tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các kiểm toán viên luôn duy trì kỷ cương và đạo đức công vụ, ứng xử đúng mực, không gây phiền hà, sách nhiễu, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán.
“Kết thúc kế hoạch kiểm toán năm 2022, các đoàn kiểm toán đã chấp hành đúng, đầy đủ các quy trình, quy chế, chuẩn mực kiểm toán, phương pháp kiểm toán hiện đại và mẫu biểu hồ sơ kiểm toán... theo quy định và không để xảy ra khiếu kiện, cũng như dư luận xấu, ảnh hưởng đến hình ảnh, đạo đức công vụ của Kiểm toán viên nhà nước” - ông Lâm cho biết.
Với sự chuẩn bị tích cực, từ sớm và sự vào cuộc trách nhiệm, đổi mới từ các đoàn kiểm toán, công tác kiểm toán trong năm qua của KTNN khu vực I đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Tổng số kiến nghị xử lý tài chính của đơn vị là hơn 13,57 nghìn tỷ đồng - cao gần gấp ba lần so với năm 2021; trong đó, tổng số kiến nghị tăng thu 389,51 tỷ đồng; thu hồi nộp NSNN và giảm chi hơn 8 nghìn tỷ đồng; kiến nghị khác hơn 5,11 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, đơn vị đã tập trung nguồn lực để tổ chức, thực hiện 02 cuộc kiểm toán chuyên đề do Quốc hội giao và chuyên đề phục vụ công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà KTNN khu vực I là đơn vị được giao kiểm toán hoặc phối hợp thực hiện. Theo đó, đơn vị đã tổ chức triển khai kiểm toán theo đúng kế hoạch được duyệt, bố trí số lượng kiểm toán viên có trình độ chuyên môn tốt, tập trung cho các đoàn kiểm toán này. Qua kiểm toán đã có phát hiện, kiến nghị quan trọng từ công tác quản lý, điều hành, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đến xử lý tài chính.
Nổi bật là tại các Đoàn kiểm toán Chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ tại TP. Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Bắc Ninh; Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Hòa Bình. Kết quả kiểm toán đã phản ánh đúng thực trạng công tác quản lý tại từng địa phương, đơn vị được kiểm toán; qua kiểm toán đã đưa ra kiến nghị kịp thời để các địa phương chấn chỉnh, khắc phục.
“Kết quả, hai đoàn kiểm toán được xếp loại xuất sắc. Nhiều kết quả từ hai cuộc kiểm toán đã được lãnh đạo Quốc hội quan tâm, lãnh đạo KTNN đánh giá cao” - lãnh đạo KTNN khu vực I cho biết.
Kiến nghị nổi bật giúp"bịt lỗ hổng" về cơ chế, chính sách
Bên cạnh những kiến nghị xử lý tài chính, điểm nhấn trong kết quả kiểm toán của KTNN khu vực I năm qua chính là hàng loạt những phát hiện, kiến nghị cơ chế, chính sách nổi bật.
Kết quả kiểm toán vừa qua của KTNN khu vực I với số kiến nghị xử lý tài chính rất lớn đã thể hiện những nỗ lực vượt bậc của đơn vị năm qua. Trong đó, những kiến nghị về cơ chế, chính sách được KTNN khu vực đưa ra rất có giá trị, ý nghĩa, bởi khi các bất cập về quy định, chính sách được phát hiện, sửa đổi thậm chí còn có giá trị hơn gấp nhiều so với các kiến nghị xử lý tài chính.
-Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh -
Theo Kiểm toán trưởng Nguyễn Anh Tuấn, đơn cử như Chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ tại TP. Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Bắc Ninh, Đoàn kiểm toán của đơn vị đã kiến nghị Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại Khoản 2 Điều 2, Khoản 3 Điều 3, Khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập hiện hành về chính sách thanh toán chi phí y tế cho hoạt động khám, chữa bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19; kiến nghị xem xét sửa đổi các quy định về chế độ, chính sách cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19...
Trong lĩnh vực quản lý đất đai, qua kiểm toán đơn vị đã kiến nghị sửa đổi các văn bản của địa phương về quản lý xây dựng và quản lý đất đai; thu hồi đất dự án không sử dụng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013, Luật Quy hoạch năm 2017; bổ sung quy định tại các Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai về quyết toán chi phí hạ tầng tính trong chi phí phát triển của phương án giá đất tại các dự án...
Điển hình như tại Cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, ngoài các kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị về công tác quản lý, điều hành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại các địa phương, đơn vị được kiểm toán..., Đoàn kiểm toán đã kiến nghị Bộ Công thương có hướng dẫn cụ thể theo quy định về việc xin cấp lại giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; hướng dẫn các địa phương xây dựng mức tiêu hao vật liệu nổ công nghiệp, làm cơ sở thẩm định xác định số lượng thuốc nổ được cấp phép, phù hợp với thực tế từng địa phương...
Để có được những kết quả này, lãnh đạo KTNN khu vực I cho biết, bám sát yêu cầu của Đảng, Quốc hội đối với KTNN trong việc tăng cường phát hiện các cơ chế, chính sách không còn phù hợp để kiến nghị sửa đổi, KTNN khu vực I đã đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ này và giao từng đoàn kiểm toán, kiểm toán viên phải quan tâm đến các kiến nghị về chính sách, pháp luật khi xem xét đưa ra đánh giá, kiến nghị kiểm toán. "Trong nhiệm vụ kiểm toán năm 2023, đây tiếp tục là một trong những nội dung trọng tâm mà KTNN khu vực I sẽ lưu ý khi thực hiện" - Kiểm toán trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho biết.