Kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 của TP.Hồ Chí Minh: Kiến nghị xử lý tài chính hơn 3.294,5 tỷ đồng

(BKTO) - Hơn 3.294,5 tỷ đồng là số tiền mà Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị phải xử lý tài chính khi thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2021 của TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, KTNN kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) hơn 361 tỷ đồng; thu hồi, giảm chi NSNN 2.376,9 tỷ đồng; giảm lỗ của các DN hơn 556,6 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN kiến nghị xử lý khác số tiền hơn 1.737,5 tỷ đồng.

dt.jpg
Thu NSNN của TP.Hồ Chí Minh năm 2021 vượt 9% dự toán Trung ương giao và dự toán HĐND Thành phố thông qua. Ảnh minh họa: Báo Đầu tư

Phát hiện nhiều kẽ hở trong quản lý thu thuế của TP. Hồ Chí Minh

Điểm sáng trong “bức tranh” NSĐP năm 2021 của TP.Hồ Chí Minh được KTNN ghi nhận là mặc dù trong điều kiện dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước nói chung và TP.Hồ Chí Minh nói riêng, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, thực hiện thu NSNN của Thành phố vượt 9% dự toán Trung ương giao và dự toán HĐND Thành phố thông qua, tăng 7% so với năm 2020, đảm bảo nguồn thu NSĐP để tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn năm 2021.

Tuy nhiên, trong quản lý thu thuế, việc xây dựng kế hoạch kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế chưa đảm bảo một số tiêu chí tại ứng dụng phần mềm phân tích thông tin rủi ro của người nộp thuế (TPR) và Quyết định số 746/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế. Có tình trạng thanh kiểm tra ngoài nội dung theo quyết định thanh kiểm tra; chưa thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về áp dụng quản lý rủi ro để phân loại và xếp hạng mức độ rủi ro đối với người nộp thuế.

Một số doanh nghiệp (DN) thuộc trường hợp kiểm tra sau hoàn thuế theo quy định tại Thông tư 26/2015/TT-BTC chưa được Cục Thuế kiểm tra, thanh tra sau hoàn trong thời hạn 01 năm kể từ ngày có quyết định hoàn thuế. Công tác quản lý nợ thuế cũng chưa hoàn thành chỉ tiêu thu nợ được giao.

Đánh giá về việc tuân thủ Luật và chế độ thu tại các đối tượng nộp thuế, khi KTNN thực hiện kiểm tra, đối chiếu 281 DN đã phát hiện 239 DN có sai sót, chưa kịp thời trong việc chấp hành kê khai, nộp thuế. KTNN xác định và kiến nghị tăng thu NSNN 276,5 tỷ đồng, giảm thuế Giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ 23,9 tỷ đồng, giảm số lỗ DN kê khai 556,6 tỷ đồng.

Cùng với việc phát hiện 26 DN có dấu hiệu kê khai thuế chưa đúng quy định, KTNN còn chỉ rõ 09 DN không cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu phục vụ cho công tác đối chiếu thuế vi phạm quy định tại Điều 68 Luật KTNN; 02 DN có hoạt động mua bán xăng dầu nhưng không có giấy phép kinh doanh theo quy định.

Qua rà soát hồ sơ kê khai giảm 30% thuế Thu nhập DN theo Nghị định số 92/2021/NĐ-CP của Chính phủ, KTNN phát hiện 352 DN kê khai không đúng đối tượng được giảm theo quy định và kiến nghị số thuế Thu nhập DN phải nộp bổ sung là 7,7 tỷ đồng.

Vướng mắc khi UBND quận là đơn vị dự toán trực thuộc Thành phố

Đánh giá về công tác lập và giao dự toán của TP.Hồ Chí Minh năm 2021, KTNN nêu rõ, các cấp ngân sách khi giao dự toán chưa giảm trừ dự toán chi hoạt động đối với số lượng biên chế giảm; giao dự toán kinh phí chi tăng thu nhập theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND của HĐND Thành phố chưa theo thứ tự ưu tiên nguồn kinh phí thực hiện theo quy định.

Trong thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, công tác quản lý, điều hành địa phương, KTNN chỉ ra vướng mắc lớn khi UBND quận là đơn vị dự toán trực thuộc UBND Thành phố. Điều này dẫn đến tình trạng không đảm bảo kịp thời kinh phí thực hiện nhiệm vụ cấp bách, quốc phòng, an ninh, công tác phòng, chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ đột xuất trên địa bàn do không còn kết dư NSĐP. Sở Tài chính cũng quá tải trong thẩm định phương án tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp thuộc 16 quận (với hơn 960 đơn vị) giai đoạn 2022-2025 và phân bổ, bổ sung điều chỉnh dự toán ngân sách trên hệ thống Tabmis cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc 16 UBND quận.

Cũng theo KTNN, đến nay, việc triển khai một số nội dung trong thực hiện cơ chế tài chính đặc thù của TP.Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội đã bị chậm so với kế hoạch, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, trong điều kiện Thành phố đã thực hiện tổ chức chính quyền đô thị thì cần tiếp tục kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới phù hợp với cơ chế chính quyền đô thị, đồng thời có giải pháp nhằm phát huy tối đa cơ chế, chính sách phân cấp quản lý một số lĩnh vực quản lý đầu tư, tài chính ngân sách; quản lý kinh tế…

Về nguồn cải cách tiền lương ngân sách bố trí năm 2021, qua kiểm toán cũng phát hiện nhiều tồn tại. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh đã giao dự toán cho các đơn vị dự toán và các quận, huyện cân đối chi thường xuyên (phần chênh lệch lương cơ sở 280.000 đồng) và chi tăng thu nhập theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND chưa theo thứ tự ưu tiên nguồn kinh phí thực hiện.

Căn cứ theo số liệu tại ngày 31/7/2022 xác định cấp thừa nguồn cải cách tiền lương các quận, huyện (sau khi loại trừ nguồn đã sử dụng để chi tăng thu nhập theo Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND của HĐND Thành phố trong năm 2022 và số KTNN đã kiến nghị năm trước), KTNN xác nhận số tiền cấp thừa là 1.938 tỷ đồng.

Thêm vào đó, Thành phố chưa thu hồi kịp thời nguồn 10% tiết kiệm của các đơn vị dự toán về ngân sách các cấp theo quy định tại Thông tư số 109/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính. KTNN xác định số dư nguồn cải cách tiền lương từ NSNN của các Sở, ngành phải thu hồi là 184,4 tỷ đồng, do ngân sách chưa điều chỉnh giảm đầy đủ nguồn cải cách tiền lương theo quy định.

Theo số liệu thu chi ngân sách đến thời điểm ngày 31/7/2021, có 10 quận, huyện bị hụt thu điều tiết ngân sách, tuy nhiên, ngân sách Thành phố chưa bố trí đủ nguồn kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 cho các quận do một số chế độ chi chưa đảm bảo đủ cơ sở cấp kinh phí.

Song UBND quận và phường chưa trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý tài chính phù hợp theo quy định của Luật NSNN và Nghị định 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mà lại sử dụng nguồn cải cách tiền lương và số kinh phí tồn từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên để đảm bảo các nhiệm vụ chi là chưa phù hợp quy định.

KTNN cũng chỉ ra rằng, TP.Hồ Chí Minh vẫn tồn đọng số dư tạm ứng ngoài dự toán bằng lệnh chi tiền, chưa thu hồi kịp thời theo quy định tại Điều 6 Luật NSNN số tiền 22.603,8 tỷ đồng.

Về việc thực hiện chính sách xã hội lĩnh vực giáo dục, dạy nghề trên địa bàn giai đoạn 2015-2021, Thành phố chưa xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho mục đích xã hội hóa; chưa báo cáo tình hình thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa lĩnh vực giáo dục của địa phương và gửi các Bộ quản lý chuyên ngành để tổng hợp theo quy định.

Thành phố cũng không có danh mục xã hội hóa để công bố rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, làm cơ sở xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án như quy định. Các cơ quan quản lý Nhà nước không thực hiện thanh kiểm tra các nội dung liên quan đến việc đáp ứng tiêu chí về quy mô, tiêu chuẩn của cơ sở xã hội hóa mà việc xác nhận chỉ yếu dựa trên số liệu báo cáo của các cơ sở.

Trong giai đoạn 2015-2021, trên địa bàn Thành phố có 27 dự án trường phổ thông tư thục được cấp phép; 284 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 36 khu đất được giao theo hình thức chỉ định. Tuy nhiên, chỉ có 02 dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận, trình UBND Thành phố ban hành quyết định chủ trương đầu tư; 36 dự án được Cục Thuế phê duyệt và ban hành quyết định miễn giảm tiền thuê đất để thực hiện xã hội hóa lĩnh vực giáo dục dạy nghề.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 của TP.Hồ Chí Minh: Kiến nghị xử lý tài chính hơn 3.294,5 tỷ đồng