Khắc phục bất cập trong chi ngân sách nhà nước

(BKTO) - Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018 vừa được trình Quốc hội cho thấy, mặc dù Chính phủ đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách song vẫn còn không ít hạn chế, bất cập, trong đó có những bất cập đã diễn ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục những bất cập này.




Có những bất cập trong chi NSNN đã diễn ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục. Ảnh minh họa

KTNN xuất toán hàng trăm tỷ đồng chi sai chế độ

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ chi NSNN năm 2018 đã được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các cấp, cơ bản đảm bảo kinh phí đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chính trị, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, xói lở bờ sông, bờ biển, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai, bảo đảm an sinh xã hội, công tác quốc phòng, an ninh quốc gia... Công tác quản lý, kiểm soát NSNN chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và nghị quyết của Quốc hội. Các Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, điều hành dự toán NSNN từng bước có hiệu quả và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận, tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị. KTNN đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng, Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định, từ chối thanh toán 96 tỷ đồng. Việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng có chung đánh giá: Tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn chưa được khắc phục triệt để. Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xuất toán thu hồi nộp NSNN 331 tỷ đồng, phát hiện 34/45 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn 889 tỷ đồng, 20/45 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp 145 tỷ đồng…

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập đã tái diễn nhiều năm. Cụ thể, công tác lập, giao dự toán chi đầu tư vẫn tái diễn tình trạng giao vốn nhiều lần, chưa sát thực tế, bố trí vốn dàn trải. Một số dự án chưa tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, giao vốn chậm, không đúng đối tượng... Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư đạt tỷ lệ thấp, kéo dài trong nhiều năm, gây lãng phí trong sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán như: chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề; chi sự nghiệp y tế; chi sự nghiệp khoa học, công nghệ… Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, do đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp để khắc phục.

Giải ngân chậm và nhiều sai sót trong quản lý vốn đầu tư

Một bất cập khác tái diễn trong năm 2018 được KTNN và Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ ra, đó là công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn chậm chuyển biến. Đến hết ngày 31/01/2019 giải ngân được 75,8% dự toán. “Việc giải ngân đạt tỷ lệ thấp đã diễn ra nhiều năm, Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân và quyết liệt chỉ đạo để khắc phục tình trạng nêu trên” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị.

Cùng với đó, tình trạng chấp hành chưa nghiêm quy định trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư vẫn xảy ra khá phổ biến. Kết quả kiểm toán tại các Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương đã chỉ ra nhiều sai phạm trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư. Công tác phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành vẫn còn chậm. Nhiều địa phương được kiểm toán phát sinh nợ mới năm 2018 số tiền 1.818 tỷ đồng; nhiều địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhưng chưa xử lý dứt điểm. Đến ngày 31/12/2018, số dư ứng trước đến hết kế hoạch năm 2018 chưa thu hồi vẫn còn 74.300 tỷ đồng. Một số địa phương còn tình trạng tạm ứng sai quy định, tạm ứng từ ngân sách T.Ư kéo dài, quá thời hạn...

Việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để giảm chi thường xuyên còn chậm, cơ cấu chi thường xuyên chưa bảo đảm mục tiêu đặt ra. Theo đó, chi thường xuyên năm 2018 vẫn chiếm 65% tổng chi NSNN, cao hơn mục tiêu Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 (giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi NSNN). Tổng số chi lương, phụ cấp lương và các khoản đóng góp theo lương từ NSNN năm 2018 là 364.228,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 39% chi thường xuyên.

Đặc biệt, theo cơ quan thẩm tra, số chi chuyển nguồn năm 2018 sang năm sau là 434.356 tỷ đồng, tăng 33,1% (107.977,4 tỷ đồng) so với năm trước; kết dư ngân sách địa phương là 157.886,2 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2017 và là mức tăng lớn nhất trong 5 năm gần đây. Việc bố trí kinh phí nhưng không hoàn thành nhiệm vụ chi phải chuyển nguồn hoặc để kết dư ngân sách địa phương lớn thể hiện sự lãng phí nguồn lực, chất lượng lập dự toán thấp, công tác chấp hành, hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách chưa cao. Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, bội chi NSNN là bằng 2,8% GDP, giảm 0,9% GDP so với dự toán Quốc hội quyết định, thể hiện sự nỗ lực trong công tác điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, bội chi giảm chủ yếu là do giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay chậm, không thực sự là do tiết kiệm chi để giảm vay.

N.HỒNG
Cùng chuyên mục
Khắc phục bất cập trong chi ngân sách nhà nước