Khắc phục dàn trải, lãng phí trong đầu tư công

(BKTO) - Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015, tại phiên thảo luận tổ cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, đầu tư công trong giai đoạn tới cần có sự lựa chọn, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm gắn với mô hình tăng trưởng và định hướng tái cơ cấu nền kinh tế để khắc phục sự dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.




Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đề nghị cần phải có chính sách thắt lưng buộc bụng về chi thường xuyênđể tăng chi cho đầu tư phát triển Ảnh: TTXVN

Đồng tình với những đánh giá của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội nhận xét trong giai đoạn 2011-2015, nhiều công trình quan trọng đã được hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu các ngành, vùng lãnh thổ, cơ bản bảo đảm tính hợp lý giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh, xã hội…

Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, đó là tình trạng bố trí vốn dàn trải, thiếu vốn, gây thất thoát lãng phí… làm giảm hiệu quả đầu tư. Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chính phủ kỳ vọng sẽ khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2011-2015; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, giảm chỉ số ICOR so với giai đoạn trước… Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, giai đoạn tới, Chính phủ cần đề ra những mục tiêu, định hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xác định những nội dung cấp thiết cần phải đầu tư.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội), trong định hướng kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 chúng ta cần thông qua được về tổng mức và nguyên tắc để có cơ sở kêu gọi nguồn vốn. Đầu tư trung hạn phải gắn với mô hình tăng trưởng và định hướng về tái cơ cầu nền kinh tế. Chúng ta đang hướng tới mô hình tăng trưởng dựa vào chất lượng, khoa học kỹ thuật, tăng năng suất chứ không phải dựa vào nguồn tài nguyên hoặc dựa vào đầu tư vốn. Do đó, phải hướng đầu tư công trung hạn vào lĩnh vực có khả năng mang lại hiệu quả nhanh và đúng thế mạnh của đất nước như nông, lâm, thủy sản; dịch vụ; công nghệ thông tin…

Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần xem xét kỹ hơn những tồn tại trong đầu tư công giai đoạn vừa qua, trong đó chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến các dự án đầu tư công lãng phí, không hiệu quả; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thẩm định, chủ trì, phê duyệt các dự án đầu tư để khắc phục hạn chế, bất cập trong giai đoạn tới.

Đồng quan điểm, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP. Hà Nội) cho rằng, đầu tư công hiện nay “nguồn lực thì ít nhưng lại chuyển đến địa chỉ sử dụng không phù hợp, lựa chọn lĩnh vực và dự án đầu tư chưa chuẩn”. Do đó, đại biểu đề nghị, phải tăng cường xây dựng các tiêu chí và quy trình cụ thể khi lựa chọn dự án đầu tư công cũng như xây dựng chế độ trách nhiệm với người tham mưu đầu tư không hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. HCM) nhấn mạnh, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong khi ngân sách đất nước khó khăn là một giải pháp đột phá để tạo thế phát triển bền vững cho nền kinh tế. Theo đại biểu, giải pháp để thực hiện vấn đề này là phải có chính sách thắt lưng buộc bụng về chi thường xuyên trong cả nước, áp dụng đối với tất cả các Bộ, ngành, địa phương để tăng chi cho đầu tư phát triển, trong đó đầu tư hợp lý cho các địa phương có tiềm năng, có lợi thế phát triển để sinh lời.

Góp ý về các lĩnh vực cụ thể cần quan tâm đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, cần bám sát việc tái cơ cấu nền kinh tế để quyết định các lĩnh vực đầu tư cho phù hợp. Bên cạnh mục tiêu xác định giao thông là ngành trọng điểm, cần có các giải pháp đầu tư ở các lĩnh vực khác như: Phát triển ngành công nghiệp không khói, bảo vệ môi trường; đầu tư cho khoa học công nghệ…

Là người tham gia thẩm tra kế hoạch đầu tư công trung hạn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách) bày tỏ băn khoăn: Luật Đầu tư công nêu rõ kế hoạch đầu tư công trung hạn phải chỉ ra được trọng tâm, trọng điểm ưu tiên cũng như thứ tự ưu tiên nhưng kế hoạch của Chính phủ chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, cần cân nhắc phương án trình Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn với những nội dung định hướng lớn về tổng mức vốn đầu tư từ nguồn ngân sách, số vốn phân bổ cho từng Bộ, ngành, địa phương, các dự án quan trọng, các giải pháp, chính sách chủ yếu... để thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn ngay tại kỳ họp này. Đối với phần danh mục, đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Theo chương trình, ngày 03/11, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ tiếp tục được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường.
NGUYỄN HỒNG
Cùng chuyên mục
  • Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Tập trung cho ý kiến vào nhiều dự án luật
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình nghị sự kỳhọp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, tuần qua Quốc hội dành phần lớn thời gian thảoluận, cho ý kiến đối với các dự án luật.
  • Công khai Báo cáo tài chính nhà nước:  Nỗ lực và băn khoăn
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong nhiều nỗ lực minh bạch của Chính phủ thời gian qua, nỗ lực để công khai báo cáo tài chính nhà nước trên các phương tiện thông tin được dư luận cũng như các chuyên gia kinh tế đánh giá là một điểm nhấn quan trọng và nổi bật. Hành động này thể hiện bước tiến mới trong công tác quản lý, điều hành tài chính của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại, phù hợp với chuẩn mực kế toán công và thông lệ quốc tế. Để thúc đẩy quá trình này, Bộ Tài chính cũng đang tiến hành lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định về Báo cáo tài chính nhà nước.
  • Khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Theo dự kiến, hôm nay (20/10) kỳ họp thứ2, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Quốc hội sẽlàm việc trong thời gian 26 ngày và dự kiến bế mạc kỳ họp vào chiều ngày 23/11.
  • Cơ cấu lại ngân sách nhà nước
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đảm bảo trần nợ công; cơ cấu lại thu, chi ngân sách cho hợp lý, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, đồng thời tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính… là những nội dung trọng tâm được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đặt ra khi cho ý kiến về tình hình thực hiện NSNN 2016; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTƯ) năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, tại phiên họp thứ 4, ngày 17/10.
  • Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, sáng ngày 09/10,Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã chính thức khaimạc tại Hà Nội.
Khắc phục dàn trải, lãng phí trong đầu tư công