Khắc phục tình trạng đầu tư thấp, dàn trải, kém hiệu quả trong phát triển văn hóa

PGS,TS. BÙI HOÀI SƠN - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo | 23/06/2023 16:40

(BKTO) - Sự chuyển động của cả hệ thống chính trị thời gian qua đang tạo sự chuyển biến trong phát triển văn hóa, đặc biệt là từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Tuy nhiên, quan điểm về đầu tư cho văn hóa cần phải được quán triệt, thực hiện thường xuyên hơn với ý thức chính trị và trách nhiệm cao nhất để đảm bảo nguồn lực đầu tư cho văn hóa; cũng như khắc phục triệt để tình trạng đầu tư dàn trải, chưa thực sự mang lại hiệu quả như vừa qua.

47e2a7de074dd6138f5c.jpg
Cần chú trọng đến hiệu quả của nguồn lực đầu tư để phát triển văn hóa. Ảnh minh họa

Mức chi cho văn hóa rất thấp

Xác định văn hóa có vai trò quan trọng, là “động lực mềm” để phát triển đất nước, trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta chủ trương “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững” và quan tâm đầu tư đúng mức cho phát triển văn hóa.

Trong cuộc họp gần đây với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh về việc đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển. Trong đó, một nền tảng vững chắc về tài chính là yêu cầu cấp thiết để đạt được mục tiêu phát triển văn hóa.

Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển, ngân sách dành cho văn hóa còn nhiều hạn chế. Hiện mức chi cho văn hóa mới chỉ dừng lại ở 1,71% chi thường xuyên, thấp hơn so với yêu cầu là 1,8% đã được đặt ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII) từ năm 1998 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Khi nguồn lực ngân sách cho phát triển văn hóa không đáp ứng yêu cầu, chắc chắn nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa sẽ bị ảnh hưởng.

Qua thực tiễn nắm bắt tại địa phương với vai trò của người nghiên cứu, cũng như qua các cuộc giám sát cùng đoàn đại biểu Quốc hội, tôi nhận thấy rằng, trừ một số địa phương có truyền thống quan tâm đến văn hóa, nhận thức và hành động của nhiều địa phương đối với phát triển văn hóa nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như ý nghĩa và vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương vẫn coi văn hóa là “cờ, đèn, kèn, trống”, có cũng được mà thiếu cũng không sao! Văn hóa chủ yếu là mang tính phong trào chứ ít gắn bó với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì thế, đầu tư cho văn hóa cả ở con người, tài chính và cơ sở vật chất đều không đảm bảo theo quy định và đúng với kỳ vọng. Việc bố trí cán bộ trong lĩnh vực văn hóa cũng rất tùy tiện. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả Trung ương và địa phương.”

Đến nhiều địa phương, tôi nhận thấy việc ban hành các kế hoạch hành động để thực hiện nghị quyết của Đảng về văn hóa, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa chủ yếu là để báo cáo, còn những hành động cụ thể thì ít được triển khai. Dù gần đây, đặc biệt là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, chúng ta đã thấy có sự chuyển biến tích cực, nhưng tôi vẫn hết sức lo ngại. Bởi, cũng giống như sau Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 khóa VIII, văn hóa được quan tâm đặc biệt, thể hiện ở các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, kể cả trong công tác cán bộ văn hóa, nhưng sau đó một thời gian, văn hóa lại ít được nhắc đến.

Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả

Không chỉ mức chi cho văn hóa thấp, mà tình trạng đầu tư cho văn hóa còn dàn trải, chưa thực sự mang lại hiệu quả. Trong khi các tác phẩm nghệ thuật do Nhà nước đầu tư chủ yếu vẫn gắn với việc phục vụ cho những sự kiện chính trị quan trọng, các chương trình đầu tư dài hạn lại không được triển khai một cách đồng bộ.

Chương trình mục tiêu quốc gia về điện ảnh là một ví dụ. Trong khi phần lớn số tiền được đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở kỹ thuật phục vụ công nghiệp điện ảnh và đầu tư trang thiết bị cho các hãng phim, việc đào tạo nguồn nhân lực lại bị bỏ qua, trong khi đây là nguồn lực quan trọng để phát triển văn hóa bền vững. Hay, các công trình văn hóa công cộng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng cho thấy những bất cập, thể hiện ở việc các công trình ít được sử dụng vì không phù hợp với phong tục, tập quán tại đây. Rất nhiều thiết chế văn hóa ở cơ sở hoạt động cũng không hiệu quả so với kỳ vọng của xã hội... Để khắc phục tình trạng này, các ngành chức năng cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực quản trị và cơ chế phân bổ nguồn đầu tư công trong việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho phát triển văn hóa. Như vậy, thay vì đầu tư dàn trải, cơ chế đầu tư cần hướng tới các mục tiêu dài hạn và được triển khai theo các tiêu chí rõ ràng. Theo đó, Nhà nước xây dựng kế hoạch cụ thể và lựa chọn đầu tư vào các lĩnh vực, các ngành trọng điểm, ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy.

Với việc đưa cơ chế thị trường trở thành một cơ chế tất yếu, bao trùm mọi lĩnh vực, Nhà nước trở thành khách hàng trong thị trường văn hóa - nghệ thuật, hỗ trợ các tổ chức và nghệ sĩ thông qua việc mua các sản phẩm, dịch vụ. Nguyên tắc căn bản trong phân bổ nguồn lực chính là “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tức là, đầu tư từ ngân sách chỉ đóng vai trò "làm mồi" để thu hút thêm các nguồn đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, như: Cơ sở hạ tầng, quảng bá thương hiệu...

Thứ hai, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, phát huy sự tham gia của xã hội vào việc phát triển văn hóa. Để làm được việc này, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi (về thuế, phí, tín dụng, quyền sử dụng đất…) nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn đầu tư cho phát triển văn hóa. Nhà nước cũng khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản... Xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích thành lập doanh nghiệp xã hội cung cấp các dịch vụ phi lợi nhuận. Nhà nước cần đảm bảo sự công bằng trong phân phối nguồn lực, đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận nguồn tài trợ công giữa các đơn vị công lập và tư nhân, giữa các nghệ sĩ làm việc cho các tổ chức và các nghệ sĩ tự do./.

Để đảm bảo tính chất công ích, giá trị phúc lợi xã hội của lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư vào loại hình sản phẩm và dịch vụ văn hóa phục vụ nhu cầu chung của cả cộng đồng nhưng không có sẵn hoặc ít được quan tâm vì khả năng sinh lời hạn chế hay một số sản phẩm và dịch vụ văn hóa không thể do tư nhân cung ứng.

Cùng chuyên mục
  • Sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản: Cần xác lập vị thế và vai trò của tổ chức nghề nghiệp
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Luật Kinh doanh bất động sản (Luật KDBĐS) có sự giao thoa với nhiều bộ luật ban hành mới hoặc chỉnh sửa trong những năm gần đây, đặc biệt là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Dân sự... Do đó, việc điều chỉnh, bổ sung Luật là cần thiết nhằm đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hoạt động KDBĐS để thị trường lành mạnh, công khai, minh bạch.
  • Giám sát lĩnh vực bất động sản
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ở nước ta, bất động sản chiếm tới gần 20% nền kinh tế. Khi thị trường bất động sản bị đình trệ, nền kinh tế của đất nước chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Đó là chưa nói tới những tác động lên an sinh xã hội và sự phát triển nói chung của đất nước.
  • Kiểm toán đất đai giúp gì cho nghị trường?
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Một trong những nội dung trọng tâm của Kỳ họp là việc thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là một công việc hết sức hệ trọng và vô cùng khó khăn. Vấn đề không chỉ nằm ở sự phức tạp của Luật Đất đai, mà còn nằm ở sự hạn chế về chứng cứ liên quan đến các vấn đề và các giải pháp lập pháp đang được đề ra.
  • Kiểm toán nhà nước - Thiết chế hữu hiệu để chống tham nhũng
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chính thức trở thành một thiết chế hiến định. Địa vị pháp lý của KTNN được nâng cao phản ánh tầm quan trọng của thiết chế này đối với nền quản trị quốc gia nói chung và đặc biệt đối với cuộc chiến phòng, chống tham nhũng nói riêng.
  • Linh hoạt lãi suất điều hành
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Lạm phát nước ta từ đầu năm 2023 đến nay chỉ tăng 0,39% và lần đầu tiên CPI tháng 4 âm 0,34%. GDP của Việt Nam quý I/2023 chỉ tăng 3,32%, là mức thấp thứ hai trong giai đoạn 2011-2023. Những thông số này cho thấy tăng trưởng nước ta bắt đầu chậm lại. Lạm phát thấp nhưng lãi suất cao, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vậy, đây đã đến thời điểm tốt để thực hiện chính sách tiền tệ “mềm mỏng” hơn thay vì “chặt chẽ” để doanh nghiệp và nền kinh tế bớt khó.
Khắc phục tình trạng đầu tư thấp, dàn trải, kém hiệu quả trong phát triển văn hóa