Hàng nghìn bệnh nhân phải tự mua thuốc bên ngoài
Nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, đại biểu Quốc hội Hà Hồng Hạnh (Đoàn Khánh Hoà) cho biết: Tại Văn bản số 2060 ngày 20/10/2023, Ủy ban Xã hội cho rằng, nếu vẫn tiếp diễn tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế mà người dân đi KCB BHYT phải tự mua thuốc điều trị thì cần có cơ chế để BHYT hoàn trả lại các khoản này để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT. Đồng thời, theo Báo cáo của Chính phủ, đến nay còn xấp xỉ 2.500 tỷ đồng chi phí KCB BHYT từ năm 2021 chưa được thanh, quyết toán.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết quan điểm về ý kiến hoàn trả lại các khoản người dân phải tự mua thuốc, vật tư khi KCB BHYT; cũng như các giải pháp để chấm dứt tình trạng chậm thanh toán, quyết toán BHYT.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, thời gian qua, hàng nghìn bệnh nhân đi viện khám bệnh nhưng phải mua thuốc bên ngoài, gây nhiều khó khăn; trong khi theo quy định thì quyền lợi bệnh nhân phải được đảm bảo, nhất là người tham gia BHYT.
“Đây là chuyện cấp thiết vì xảy ra lâu rồi. Thuốc kê mua bên ngoài đắt, không phải ai cũng mua được. Người có điều kiện sẽ khác, nhưng không có điều kiện thì khó khăn. Cần giải pháp kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người dân hưởng BHYT, nhất là người nghèo” - đại biểu Dương Khắc Mai nói, đồng thời đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Y tế để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, về nguyên tắc, cơ sở KCB phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh, không để người bệnh phải mua thuốc ngoài trong thời gian điều trị nội trú. Nếu để người bệnh tự mua dẫn đến nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc, an toàn của người bệnh, giải quyết tranh chấp khi có tai biến, rủi ro, lạm dụng chỉ định…
Tuy nhiên, trong quá trình phòng chống dịch Covid-19 đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến thiếu thuốc. Thực tế, nhiều cơ sở y tế không đảm bảo đủ thuốc, bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc để tự điều trị.
“Chúng tôi xin ghi nhận, tiếp thu ý kiến của đại biểu và thống nhất quan điểm quyền lợi của bệnh nhân, người tham gia BHYT phải được đảm bảo và đây là yêu cầu chính đáng, cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân khi ra ngoài mua thuốc”- Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thời gian qua, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp như: yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện các chỉ đạo, các quy định liên quan đến việc mua thuốc, vật tư y tế để đảm bảo phục vụ cho công tác KCB; đề xuất các cơ chế để có thể điều chuyển thuốc giữa các cơ sở KCB khi các kết quả thầu còn hiệu lực; rà soát lại các danh mục thuốc và dự kiến đầu năm 2024 sẽ bổ sung thêm danh mục thuốc này, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Liên quan đến vấn đề cơ chế để thanh toán tiền cho người bệnh, Bộ Y tế đã giao cho Vụ BHYT xây dựng thông tư và hiện nay nội dung này đang được đơn vị chuyên môn xây dựng.
“Ngay trong chiều 08/11, khi Quốc hội đang làm việc, Vụ BHYT cùng các thành viên tư pháp và BHXH Việt Nam đã họp bàn về phương án cụ thể để xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương” – Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.
Có hiện tượng lạm dụng xét nghiệm quá mức cần thiết
Đề cập đến vấn đề lạm dụng xét nghiệm được đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, thiết bị hiện đại trong lĩnh vực y khoa đã hỗ trợ rất nhiều cho thầy thuốc, giúp phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu, tạo cơ hội điều trị tốt hơn. Chính vì vậy, ngành y tế tăng cường trang thiết bị tốt nhất phục vụ người bệnh.
“Tuy nhiên, khi triển khai có hiện tượng lạm dụng xét nghiệm quá mức cần thiết, gây tốn kém chi phí, tạo tâm lý bức xúc cho người bệnh. Việc đẩy chi phí xét nghiệm hay sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao quá mức cũng ảnh hưởng tới Quỹ BHYT” - Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ nhận thức và trình độ của người chỉ định xét nghiệm, muốn nhanh, chính xác cũng đẩy xét nghiệm nhiều hơn. Đây là vấn đề cần quan tâm để đảm bảo tính hợp lý trong xét nghiệm.
Đặc biệt, trước đây sử dụng dịch vụ xã hội hoá, liên doanh liên kết nhiều nên để thu hồi tiền bỏ ra lại đẩy xét nghiệm lên. Vừa qua có vụ việc, vụ án đã được xử lý, chấn chỉnh. Ngoài ra, ngay bản thân người bệnh cũng có nhu cầu xét nghiệm.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế tăng cường văn bản chỉ đạo tránh lạm dụng xét nghiệm, nâng cao chất lượng KCB. Luật Khám bệnh, chữa bệnh có nhiều nội dung mới liên quan; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 316/QĐ-TTg về nâng cao chất lượng cơ sở xét nghiệm, liên thông cơ sở xét nghiệm để tránh việc người dân xét nghiệm nhiều lần. Đây là giải pháp thiết thực làm định hướng cho cơ sở y tế triển khai thực hiện.
Ngoài ra, các thông tư, quy định liên quan định đến định mức kinh tế kỹ thuật, trần thanh quyết toán cũng được ban hành; tăng cường giám định BHYT, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu để kiểm soát chi phí cũng được triển khai.
Liên quan đến việc thanh toán tổng mức BHYT hiện vẫn còn vướng mắc, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Tại Nghị quyết 114/NQ-CP ngày 05/11/2022 của Chính phủ ban hành đã cho phép tháo gỡ vấn đề BHYT bị vượt tổng mức của năm 2021. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế, các cơ sở y tế và BHXH Việt Nam đã rà soát các nội dung chi để thực hiện đúng theo quy định. Hiện nay, tổng mức rà soát được khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Nội dung này đang được BHXH Việt Nam phối hợp với các đơn vị để thanh toán.
“Để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến tổng mức thanh toán của các giai đoạn trước đây, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023, tháo gỡ những vấn đề liên quan đến vướng mắc về tổng mức BHYT của các cơ sở y tế giai đoạn trước năm 2021. Hiện nay, Nghị định đang được triển khai thực hiện”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin./.