Nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn chế
Chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) cho biết, theo báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về kết quả rà soát thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội đã nêu, nguồn lực cho công tác VHTTDL chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng trên.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, về giải pháp tạo cơ chế nguồn lực cho lĩnh vực văn hoá, Bộ nhận thức và có hai cách tiếp cận.
Trong nhiệm kỳ này, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, thể hiện ở chủ trương đặt văn hóa ngang bằng với chính trị, kinh tế - xã hội.
Từ sự quan tâm đó, đã có nhiều hội nghị quan trọng liên quan đến lĩnh vực văn hóa được tổ chức.
Sau thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội đã tổ chức Hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa; Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức Hội thảo hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo kỷ niệm 80 Đề cương về Văn hóa Việt Nam...
Từ đó giúp cho ngành văn hóa có thêm niềm tin mới, nguồn lực mới và động lực mới để tập trung cho nhiệm vụ phát triển văn hoá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đầu tư cho văn hóa là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Ở nhiệm kỳ này, lĩnh vực văn hóa đã có sự quan tâm hơn. Chính phủ đặt ra mức chi là 2%; thời gian qua, Chính phủ cũng đã quyết định đầu tư 1.428 tỷ đồng cho 17 dự án trùng tu, tôn tạo di tích ở 17 địa phương...
Từ khóa IX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 30 ngày 20/7/2004 về đầu tư văn hóa, đó là tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách của Nhà nước. Tuy nhiên kết thúc nhiệm kỳ khóa XIV, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho thấy, tổng chi cho ngân sách Nhà nước cho văn hoá chỉ đạt 1,7%.
Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận, các địa phương cũng quan tâm, tăng dần mức chi cho văn hóa như tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư làng văn hóa kiểu mẫu trên 2.600 tỷ đồng từ ngân sách, chưa kể nguồn từ kinh phí xã hội hóa cho 60 làng; Hà Nội cũng đầu tư kinh phí lớn cho phát triển văn hóa và nhiều địa phương khác đã có sự đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa...
Tập trung xây dựng tốt chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa
Nhấn mạnh nguồn lực phải bắt đầu từ cơ chế, trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các bộ luật, sửa đổi theo hướng không chỉ quản lý mà còn kiến tạo, tháo gỡ vướng mắc từ cơ chế, chính sách như sửa đổi các quy định liên quan đến đầu tư, hợp tác công tư, thuế để tạo cơ chế khơi thông nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt, huy động nguồn lực xã hội bổ sung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa.
Theo Bộ trưởng, với mong muốn có sự quan tâm đầu tư cho văn hóa một cách bài bản, bền vững, sau khi tham mưu trúng và đúng, được Trung ương đồng ý về mặt chủ trương, được Quốc hội ban hành nghị quyết và Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ VHTTDL đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng phát triển văn hóa, con người Việt Nam...
“Đây cũng là việc đi trước, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau chứ không phải thực hiện cho nhiệm kỳ này” - Bộ trưởng cho biết.
Theo đó, Chương trình dự kiến triển khai trong giai đoạn 10 năm, đặt ra 7 mục tiêu tổng quát và 9 dự án thành phần.
Trong đó, Chương trình nhấn mạnh về dự án xây dựng môi trường văn hóa, phát triển con người, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, bảo tồn, phát huy các giá trị, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, hội nhập quốc tế và cải thiện, nâng cấp một số thiết chế văn hóa.