Ông nhận định thế nào tín dụng tiêu dùng trong thời gian vừa qua?
Hiện nay, ngoài các NHTM, còn có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu cần thiết cho sinh hoạt thường ngày.
Mặc dù hạn chế về mạng lưới và quy mô nguồn vốn, song các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép đã không ngừng nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, mở rộng hoạt động tới các khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa… đáp ứng nguồn vốn cho người dân.
Trong đó có các đối tượng là những người yếu thế, thu nhập không ổn định, không đáp ứng quy định vay vốn từ các nhà băng.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận rằng tổng dư nợ của 16 công ty tài chính do NHNN cấp phép hiện còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế và dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến quy mô tín dụng tiêu dùng đang bị thu hẹp?
Nguyên nhân khiến cho tín dụng tiêu dùng chưa tương xứng tiềm năng do cả chủ quan và khách quan. Nguyên nhân khách quan do kinh tế khó khăn nên nhu cầu vay tiêu dùng cũng suy giảm. Đối với nguyên nhân chủ quan, khách hàng gặp khó khăn do tác động suy giảm kinh tế nên ảnh hưởng khả năng trả nợ.
Theo đó, nợ xấu của các công ty tài chính gia tăng, vì vậy họ buộc phải thận trọng trong hoạt động cho vay. Số lượng khách hàng vay vốn giảm; Dư nợ cho vay của các công ty tài chính giảm mạnh so với năm trước minh chứng cho điều này.
Một trong những nguyên nhân nữa khiến cho tín dụng tiêu dùng tăng trưởng chậm lại do tại Việt Nam vẫn đang thiếu một hành lang pháp lý đủ mạnh xử lý những vi phạm liên quan đến hoạt động cho vay.
Cụ thể, tỷ lệ khách vay không trả nợ ngày càng cao, trong khi đó, chế tài với khách hàng này chưa có. Việc khởi kiện rất khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp.
Thêm vào đó, gần đây xảy ra hiện tượng lợi dụng thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ “khủng bố”, đòi nợ phản cảm, một bộ phận khách hàng đã rủ nhau “bùng nợ” gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các công ty tài chính tiêu dùng.
Nhân viên thu hồi nợ của công ty này bị ảnh hưởng tâm lý về việc bị đe dọa ngược từ khách hàng, hoang mang, lo lắng dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc cao. Theo đó việc tuyển dụng nhân sự đối với các công ty tài chính khó khăn hơn trước.
Trong thời gian tới, cần có những giải pháp nào để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, thưa ông?
Thu hồi nợ là một trong những khâu mấu chốt của hoạt động cho vay nói chung và hoạt động cho vay tiêu dùng nói riêng. Do đó, muốn phát triển lành mạnh thị trường cho vay tiêu dùng thì không thể không nhắc đến các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động thu hồi nợ.
Thời gian tới, cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng đặc thù đối với mảng tài chính tiêu dùng. Tạo điều kiện cho công ty tài chính có môi trường hoạt động thông thoáng, an toàn và tuân thủ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Về phía các công ty tài chính tiêu dùng cũng cần nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay, kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng, rà soát, đánh giá và cải thiện bộ máy quản trị rủi ro, quản lý chặt chẽ chất lượng nhân viên thu hồi nợ. Các công ty tài chính phải quán triệt với cán bộ nhân viên nắm rõ và tuân thủ quy định của công ty và pháp luật về công tác thu hồi nợ, tránh để xảy ra những hiểu lầm, đánh đồng về hoạt động của tài chính tiêu dùng với các tổ chức cho vay phi pháp. Từ đó xây dựng lòng tin và ý thức trách nhiệm từ phía khách hàng.
Xin cảm ơn ông!