Khẩn trương tháo gỡ bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy

(BKTO) - Đây là một trong những kiến nghị của Ban Dân nguyện trong Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2023, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp chiều 10/4.

100420230439-z4253197581324_f5ff4f640a0c5f445efe27008409e0de.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2023. Ảnh: VPQH

Trình bày Báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm, đánh giá cao việc Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức để nhân dân tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có hơn 10,6 triệu lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân góp ý cho Dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cả nước phản ánh và lo lắng về tình trạng tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra; việc ma túy tổng hợp được vận chuyển vào Việt Nam thông qua tiếp viên hàng không; người dân nhận được các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo bằng việc thông báo chuẩn hóa thông tin cá nhân của thuê bao di động, nhập mật khẩu theo đường link ngân hàng.

Cùng với đó là tình trạng nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, số lượng người muốn rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân và gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội; về giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát có khả năng xảy ra khi thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2023; về tình hình giải ngân đầu tư công chậm, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2023 ở một số khu vực kinh tế trọng điểm sụt giảm đáng kể…

Đáng chú ý là trong thời gian gần đây, cử tri quan tâm và phản ánh còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý, trong đó có tình trạng công tác phòng cháy, chữa cháy được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Việc này được thực hiện sau khi một số vụ việc hoả hoạn gây thương vong tại các cơ sở kinh doanh karaoke.

“Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy, chữa cháy chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh… làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy” - Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ.

Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy, chữa cháy; tháo gỡ các bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất kiến nghị sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy, chữa cháy đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; áp dụng các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo mức độ rủi ro; giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Chia sẻ những khó khăn của nhiều doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, du lịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị, cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho các cơ sở kinh doanh trang bị đầy đủ các thiết bị, bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy để có thể tiếp tục đi vào hoạt động.

Đề cập vấn đề này tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp thu và có nghiên cứu để có đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với từng điều kiện cụ thể.

Ngoài ra, Ban Dân nguyện cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành và các địa phương đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành, địa phương trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Báo cáo cần bổ sung nội dung về các vụ việc điển hình, thống nhất số liệu với các báo cáo của Chính phủ, bổ sung thêm số liệu người lao động mất việc làm, các doanh nghiệp giải thể, số lượng rút bảo hiểm một lần để có góc nhìn tổng quan, toàn diện về tình hình phát triển kinh tế- xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu đầy đủ ý kiến, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp đầy đủ số liệu, chuẩn bị báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo để gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Cũng trong chiều 10/4, UBTVQH đã cho ý kiến về phương án phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Qua thảo luận, UBTVQH đã biểu quyết thông qua việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra Dự án Luật. Theo đó, UBTVQH giao Hội đồng Dân tộc xây dựng đề xuất và chủ trì soạn thảo; cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Cùng chuyên mục
  • Tăng cường hiệu quả giám sát, quản lý hoạt động đánh bắt thủy sản
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 10/4, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
  • Nâng cao tính chủ động, trách nhiệm trong xây dựng pháp luật
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 10/4, ngay sau khai mạc Phiên họp thứ 22, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023.
  • Khai mạc Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 10/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp lần thứ 22, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5.
  • Điện Biên cần chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đây là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên, đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, quý I/2023 của Điện Biên, đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh, ngày 9/4.
  • Công khai, minh bạch trong định giá đất
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chỉ ra những bất cập trong định giá đất là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những tiêu cực, khiếu kiện về đất đai thời gian qua, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 07/4, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục làm rõ quy định về phương pháp, cơ sở xác định giá đất… để bảo đảm công khai, minh bạch.
Khẩn trương tháo gỡ bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy