Nâng cao tính chủ động, trách nhiệm trong xây dựng pháp luật

(BKTO) - Sáng 10/4, ngay sau khai mạc Phiên họp thứ 22, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023.

100420231055-z4252097255454_f82d8cc1f3402e80f1f14771f4980456.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023. Ảnh: VPQH

Bổ sung vào chương trình năm 2023 đối với 13 dự án luật

Trình bày Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở các nguyên tắc lập đề nghị Chương trình và Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với 13 dự án luật.

Cụ thể, với Chương trình Kỳ họp thứ 5, bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 01 kỳ họp đối với 02 dự án, dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến đối với 06 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi).

Tại Chương trình Kỳ họp thứ 6, Chính phủ đề nghị bổ sung trình Quốc hội thông qua 06 dự án đang đề nghị bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 như trên; đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến đối với 03 dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Thủ đô (sửa đổi)…

Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2024 gồm 14 dự án. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 7, trình Quốc hội thông qua 05 dự án. Tại Kỳ họp thứ 8, trình Quốc hội thông qua 07 dự án, là các dự án được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7; trình Quốc hội cho ý kiến 02 dự án là Luật Dân số (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi).

Cùng với các đề xuất của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao cũng đề nghị bổ sung Chương trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên và Dự án Pháp lệnh chi phí tố tụng; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị bổ sung Chương trình Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP. Hà Nội) đề xuất xây dựng Luật Bản dạng giới.

Chú trọng tính nối tiếp, “gối đầu” trong xây dựng pháp luật

Thẩm tra về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong tổng số 25 dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023 có 20/25 dự án là kết quả của 20 nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15; 5 dự án còn lại được các cơ quan đề xuất để đáp ứng yêu cầu mới tại các Nghị quyết, kết luận của Đảng và yêu cầu thực tiễn.

100420231031-z4252117864486_edb47d3e95996b9eb35608a5217e3d04.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, khối lượng công tác lập pháp cần hoàn thành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 rất lớn, chưa kể còn có thể bổ sung các nhiệm vụ lập pháp mới theo yêu cầu tại các văn kiện của Đảng và để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, nhưng thời gian còn lại của nhiệm kỳ sau khi Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 cơ bản chỉ còn năm 2025.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị các cơ quan tiếp tục nỗ lực tối đa, tập trung chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án được giao chủ trì, đề xuất sáng kiến, giải pháp để Quốc hội có thể cơ bản hoàn thành Chương trình công tác lập pháp của nhiệm kỳ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như các đại biểu Quốc hội đã cố gắng để hoàn thành nhiều công việc quan trọng. Việc xây dựng pháp luật được chuẩn bị từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, tiến hành khẩn trương, đạt yêu cầu cả về chất lượng, tiến độ.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tổng kết việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian qua để rút ra bài học và có điều chỉnh phù hợp.

Đặc biệt, cần nâng cao tính chủ động, phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật; chú trọng đến tính nối tiếp, “gối đầu” trong trình tự giải quyết công việc, tránh để kỳ họp quá nhiều hay quá ít dự án luật được thông qua. Cùng với đó, cần khắc phục việc chậm, muộn báo cáo, dẫn đến kéo lùi tiến độ xây dựng pháp luật, làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần hạn chế việc ban hành các Nghị quyết sửa đổi quy định của pháp luật, không thể có một nội dung vừa có luật điều chỉnh, lại vừa có Nghị quyết như một luật để điều chỉnh.

“Cần đánh giá chi tiết, rõ ràng việc thực hiện công tác xây dựng pháp luật, chỉ đưa vào những vấn đề đã “chín”, đã rõ, có cơ sở chính trị, được thực tế kiểm nghiệm, để từ đó đạt được sự đồng thuận trong xây dựng cũng như thi hành pháp luật” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, một vấn đề cấp bách nhưng chưa được phản ánh trong các đề xuất xây dựng luật là về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nếu Chính phủ không đề xuất, Ủy ban Tài chính - Ngân sách có thể đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định thêm các vấn đề về ưu đãi thuế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu chỉ quy định trong một Nghị quyết, hay Nghị quyết thí điểm thì sẽ chỉ là xử lý tình huống đơn thuần, không bao quát hết được thực tiễn, không giải quyết được vấn đề một cách đồng bộ, nhất quán, không đảm bảo được đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần bổ sung các luật về công nghệ số, trang thiết bị y tế, phát triển công nghiệp… Đây đều là những nội dung quan trọng, cấp bách, cần sớm đề xuất để có điều chỉnh phù hợp.

Làm rõ một số nội dung tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chuẩn bị hồ sơ về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và khẩn trương nghiên cứu thuế toàn cầu. Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về các đề nghị xây dựng luật này và sẽ trình Chính phủ trong tháng 6/2023, cố gắng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023./.

Cùng chuyên mục
  • Khai mạc Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 10/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp lần thứ 22, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5.
  • Điện Biên cần chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đây là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên, đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, quý I/2023 của Điện Biên, đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh, ngày 9/4.
  • Công khai, minh bạch trong định giá đất
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chỉ ra những bất cập trong định giá đất là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những tiêu cực, khiếu kiện về đất đai thời gian qua, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 07/4, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục làm rõ quy định về phương pháp, cơ sở xác định giá đất… để bảo đảm công khai, minh bạch.
  • Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ sẵn sàng để thực hiện giao dịch điện tử mở rộng
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - “Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là dựa trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam hiện nay đã sẵn sàng, đảm bảo an toàn tin cậy” – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội về việc mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử trong đời sống xã hội.
  • Dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Cần quy định chặt chẽ về thẩm định giá
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 06/4, các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Giá (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ để kiểm soát công tác thẩm định giá, bảo đảm chất lượng thẩm định giá…
Nâng cao tính chủ động, trách nhiệm trong xây dựng pháp luật