Khẳng định vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm toán các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ

(BKTO) - Tại Hội thảo Kiểm toán đối với doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, do Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức sáng 06/7, trên cơ sở chỉ rõ thực trạng hoạt động của các DNNN, trong đó có DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, các đại biểu đã nhấn mạnh sự cần thiết và vai trò của KTNN trong việc tăng cường kiểm toán đối với các DN này.



                
   

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh tư liệu

   

Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của nhiều DN sau cổ phần hóa chưa tương xứng

Tại Hội thảo, các ý kiến tham luận, trao đổi, đều nhìn nhận vấn đề quản lý vốn nhà nước tại DN đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, với nhiều chủ trương, chính sách nhằm tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Tuy nhiên, nhìn chung, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của nhiều DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư; cơ chế quản trị DNNN còn chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Việc cơ cấu lại DNNN và thoái vốn nhà nước triển khai chậm, quá trình cổ phần hóa còn nhiều hạn chế, tiêu cực và có một số khó khăn, vướng mắc…
                
   

Bà Lê Thị Thu Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN). Ảnh: N.LỘC

   

Đối với DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, qua thực tiễn công tác kiểm toán, bà Lê Thị Thu Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) cho biết, đối với đánh giá trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện phần vốn nhà nước tại các DN có vốn nhà nước dưới 50%, các báo cáo kiểm toán đã nêu lên một số phát hiện nổi bật. Theo đó, việc chỉ đạo công tác đầu tư chưa hiệu quả, các khoản đầu tư nhiều năm, kéo dài, không hiệu quả, khả năng thu hồi hạn chế, hầu hết chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Bên cạnh đó, DN chưa thực hiện việc rà soát, kiểm soát ban hành các cơ chế chi và ký kết các hợp đồng thuê dịch vụ đối với các đại lý tổ chức dẫn đến công tác kiểm tra lập và ký kết các hợp đồng kinh tế đối với khoản chi này còn hạn chế; công tác tài chính kế toán chưa triệt để, sát sao dẫn đến còn để một số tồn tại, sai sót trong công tác hạch toán kế toán doanh thu, chi phí và các quỹ chưa chính xác. Báo cáo tình hình kết quả kinh doanh, chưa đề cập đầy đủ đến các kết quả kinh doanh lỗ như kinh doanh bảo hiểm, các khoản đầu tư do phân bổ chi phí chung, tình hình xử lý các khoản đầu tư tồn đọng và các biện pháp khắc phục cụ thể.

Một số Tổng công ty chưa cử người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty tại công ty con và công ty liên kết; chưa xây dựng và ban hành các quy trình quản lý phục vụ giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; chưa ban hành quy chế quản lý người đại diện vốn của công ty tại các DN nhận đầu tư; chưa thực hiện đánh giá Người đại diện vốn theo quy định…

Nhấn mạnh vai trò của người đại diện phần vốn nhà nước tại các DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, dưới góc độ chuyên gia, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, quy định đánh giá, xếp loại người đại diện phần vốn nhà nước tại DN theo quy định hiện hành vừa mang nặng tính hành chính, không phù hợp với đặc điểm của DN vừa khiến cho công tác quản lý vốn có hiệu quả thấp. Đây có thể được coi là một hạn chế trong quản lý vốn nhà nước tại DN.

Bên cạnh đó, các nội dung về điều kiện, tiêu chuẩn cử, cử lại cũng như miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật người đại diện phần vốn nhà nước tại DN chưa được quy định rõ ràng, còn nặng về quản lý hành chính. Người đại diện phần vốn nhà nước chỉ như một công chức, viên chức trong bộ máy hành chính chứ không phải như một nhà doanh nghiệp tại DN. Như vậy, công tác quản lý phần vốn nhà nước tại DN thuần túy là quản lý hành chính chứ không phải là quản lý kinh doanh, quản lý tài chính trong nền kinh tế thị trường.
         
Thống kê từ khi Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực đến ngày 30/6/2021, đối với DN có vốn nhà nước dưới 50%, KTNN đã thực hiện kiểm toán và phát hành 04 cuộc kiểm toán độc lập và 23 cuộc kiểm toán các công ty liên kết lồng ghép với kiểm toán Báo cáo tài chính Công ty mẹ - các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước với tổng kiến nghị tăng thu NSNN 81.677 triệu đồng (04 cuộc kiểm toán độc lập 8.869 triệu đồng, 23 cuộc kiểm toán các công ty liên kết lồng ghép 72.808 triệu đồng), chủ yếu là các khoản thu do sai sót trong kê khai, xác định thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập DN, thuế Thu nhập cá nhân, tiền thuê đất… các đơn vị chưa thực hiện đúng theo các quy định của Luật thuế và các quy định của nhà nước có liên quan.

Đẩy mạnh kiểm toán DN có vốn nhà nước dưới 50% là yêu cầu cấp bách

Từ thực trạng hoạt động của DN cũng như những kết quả bước đầu trong hoạt động kiểm toán của KTNN đối với các DN do Nhà nước sở hữu dưới 50% vốn điều lệ, tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định, các DN cần được KTNN đẩy mạnh kiểm toán.

Nhấn mạnh vai trò của KTNN trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý phần vốn nhà nước tại DN, ông Nguyễn Hồng Long – Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết, các báo cáo kiểm toán là một nguồn thông tin bổ sung cho các cấp, các ngành nhìn nhận, đánh giá hiệu quả của công tác cổ phần hóa mang lại; đồng thời, thấy được hạn chế, vướng mắc để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh chỉ rõ, việc giám sát của Quốc hội nói riêng và giám sát nói chung đối với quản lý phần vốn nhà nước tại DN bị hạn chế rất nhiều do chưa có quy định về thực hiện kiểm toán của KTNN đối với DN nhằm sử dụng kết quả kiểm toán làm căn cứ đánh giá hiệu quả quản lý vốn của DN, trong đó có phần vốn nhà nước cũng như đánh giá người đại diện vốn và cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn tại DN, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đồng thời góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời thất thoát lãng phí vốn nhà nước tại DN.

“Mở rộng và đẩy mạnh KTNN đối với những DN có vốn nhà nước dưới 50% là yêu cầu cần thiết và cấp bách trong quản lý vốn nhà nước tại DN đồng thời kết quả KTNN sẽ cung cấp những cơ sở quan trọng để hoàn thiện các quy định cụ thể về quản lý vốn nhà nước tại DN, về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu cũng như người đại diện vốn nhà nước tại DN” – ông Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.

Trên cơ sở đó, các ý kiến tại Hội thảo đã kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm toán đối với DNNN, trong đó có DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Trong đó, tập trung vào các giải pháp như: hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định rõ ràng, đầy đủ và minh bạch về quả lý phần vốn nhà nước tại các DN; bổ sung thêm cơ chế giám sát, đánh giá thường xuyên đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu để tạo áp lực phải quản lý, sử dụng vốn nhà nước hiệu quả hơn.
                
   

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: N.LỘC

   

Đồng thời, KTNN cần tăng cường kiểm toán đối với DNNN, trong đó có các DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Trong hoạt động kiểm toán cần chú trọng hơn đến kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động bên cạnh kiểm toán báo cáo tài chính, nhằm đánh giá trách nhiệm người quản lý phần vốn nhà nước tại DN này.

Các ý kiến cũng đề nghị KTNN sớm xây dựng bộ tiêu chí cách thức lựa chọn kiểm DN, nhất là đối với các DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, trong đó tập trung về định lượng, định tính xác định một cách rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống hồ sơ, mẫu biểu kiểm toán; tăng cường đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ kiểm toán viên tham gia các đoàn kiểm toán DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, đặc biệt chú trọng nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán. Từng bước cập nhật, xây dựng kho dữ liệu thông tin về các DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ để phục vụ cho công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán về trung hạn, hàng năm cũng như đối với từng cuộc kiểm toán.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh, KTNN có đủ cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán đối với các DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống. Những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia tại Hội thảo đã góp phần củng cố những căn cứ pháp lý vững chắc đó; đồng thời cho thấy vai trò quan trọng của KTNN đối với hoạt động kiểm toán các DN này trong thực tế. “Các ý kiến sẽ được KTNN tiếp thu tối đa từ đó có nhiều đổi mới, sáng tạo và khoa học, xây dựng các giải pháp hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh.

N. HỒNG – N. LỘC
Cùng chuyên mục
Khẳng định vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm toán các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ