Khánh Hòa: Nỗ lực giảm nghèo bền vững!

(BKTO) - Thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Khánh Hòa và các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp quan tâm chỉ đạo. Nhờ đó, các chế độ và chính sách giảm nghèo đã đến được với người dân; đời sống vật chất và tinh thần của hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện.

khanh-hoa.jpg
Một hộ nghèo ở huyện Diên Khánh vay vốn chăn nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: TS

Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,64%

Tính đến cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh Khánh Hòa còn 10.826 hộ, chiếm tỷ lệ 3,2%, giảm 2.051 hộ, mức giảm hộ nghèo đạt 0,66%. Trong đó, huyện Khánh Sơn còn 3.062 hộ, Khánh Vĩnh 4.211 hộ - đây là 2 địa phương có số hộ nghèo cao nhất tỉnh.

Tỉnh Khánh đề ra mục tiêu: Đến cuối năm 2023, phấn đấu toàn tỉnh tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,64%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,56 %; giảm tỷ lệ nghèo đa chiều đạt từ 1% -1,5%, riêng 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đạt 7% trở lên; 100% huyện, xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng… Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung nghiên cứu, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp giảm nghèo nhằm tạo hiệu quả thực chất.

Trong đó, tại Kế hoạch số 3262/KH-UBND ngày 07/4/2023 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Khánh Hòa năm 2023, tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong Kế hoạch là các dự án và tiểu dự án: Dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo.

Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như: Chính sách tín dụng, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ y tế; hỗ trợ về giáo dục; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; an sinh xã hội.

Hơn 126 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Đặc biệt, mới đây, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, giai đoạn này, tổng vốn đầu tư dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 126,185 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn Trung ương là 109,726 tỷ đồng; ngân sách tỉnh là 11,522 tỷ đồng, ngân sách huyện 4,937 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn này sẽ phân bổ cho huyện Khánh Sơn 121,049 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án, công trình: Công trình giao thông, hỗ trợ duy tu và bảo dưỡng công trình giao thông phục vụ dân sinh, hỗ trợ duy tu và bảo dưỡng các công trình tại các xã: Ba Cụm Bắc, Sơn Lâm, Thành Sơn, Sơn Bình và Sơn Trung.

Đối với huyện Khánh Vĩnh sẽ triển khai dự án Hỗ trợ duy tu và bảo dưỡng các công trình tại các xã: Khánh Đông, Khánh Bình và sửa chữa các cầu treo trên địa bàn huyện với tổng vốn 4,618 tỷ đồng. Huyện Vạn Ninh triển khai dự án Hỗ trợ duy tu và bảo dưỡng các công trình tại xã Vạn Thạnh với tổng vốn đầu tư 518 triệu đồng.

Được biết, đối tượng thụ hưởng của chương trình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo...

Trước đó, tại Hội nghị công bố quyết định kiểm toán thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đại diện Kiểm toán nhà nước cho biết, Đoàn kiểm toán sẽ kiểm toán các nội dung: Việc quản lý, sử dụng kinh phí; việc tuân thủ chính sách, chế độ, pháp luật của Nhà nước; công tác quản lý, chỉ đạo, phối hợp thực hiện; tình hình thực hiện, tính hiệu lực, hiệu quả của Chương trình.

Phạm vi kiểm toán được xác định: Từ khi triển khai Chương trình đến ngày 31/12/2022 và các thời kỳ trước, sau có liên quan. Đoàn kiểm toán sẽ kiểm toán tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện Vạn Ninh, Khánh Sơn.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa mong muốn, qua kiểm toán sẽ phát hiện và kịp thời đề xuất Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện chính sách đối với Chương trình; đồng thời giúp địa phương chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện để khắc phục, từ đó phát huy hiệu quả chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội của Trung ương và của tỉnh./.

Cùng chuyên mục
Khánh Hòa: Nỗ lực giảm nghèo bền vững!