Khảo sát thu nhập dân cư, nhóm hộ giàu cao gấp 8 lần nhóm hộ nghèo

(BKTO) - Mặc dù thu nhập của dân cư năm 2020 có giảm so với năm 2019 nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn giảm do Chính phủ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, mức sống vẫn có sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, giữa các vùng. Đây là vấn đề đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục quan tâm giải quyết.



Khuyến nghị trên được các chuyên gia thống kê đưa ra sau khi tiến hành Khảo sát mức sống dân cư năm 2020.

Thu nhập và chi tiêu có sự chênh lệch cao

Theo kết quả khảo sát, thu nhập bình quân năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4.230 nghìn đồng/người/tháng, giảm khoảng 2% so với năm 2019. Trong giai đoạn 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người tăng bình quân 8,1%/năm.
                
   

Thu nhập bình quân đầu người khu vực thành thị cao gấp 1,6 lần khu vực nông thôn (Ảnh minh họa) - Ảnh: MarketingTrip

   

Tại khu vực thành thị, thu nhập bình quân năm 2020 đạt 5.538 nghìn đồng/người/tháng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3.480 nghìn đồng). Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) đạt 9.108 nghìn đồng, cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất), với mức thu nhập đạt 1.139 nghìn đồng. Vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (6.023 nghìn đồng/người/tháng), cao gấp 2,2 lần vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2.745 nghìn đồng/người/tháng).

Trong tổng thu nhập năm 2020, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công chiếm 55,3%, thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 11,2%, thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,9%, thu khác chiếm 10,6%. Cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, trong đó tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, ngược lại tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng giảm, kết quả này phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm.

Năm 2020 chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018. Có thể thấy chi tiêu năm 2020 tăng chậm hơn so với thời kỳ trước (chi tiêu bình quân năm 2018 tăng 18% so với 2016) do người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng, chênh lệch giữa hai khu vực là 1,6 lần.

Vùng Đông Nam Bộ luôn đứng đầu cả nước với mức chi tiêu hộ gia đình cao nhất (xấp xỉ 3,9 triệu đồng/người/tháng). Vùng Trung du miền núi phía Bắc có mức chi thấp nhất (tương đương 2,1 triệu đồng/người/tháng). Ngoài ra mức tăng chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở vùng Trung du miền núi phía Bắc năm 2020 chỉ tăng 5% so với 2018 trong khi vùng Đông Nam Bộ tăng tới 17,3% so với năm 2018.

Chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình. Năm 2020 chi cho đời sống bình quân một người một tháng là 2,7 triệu đồng (chiếm tới 93% trong tổng chi tiêu hộ gia đình), trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 1,69 triệu đồng.
                
   

Chi tiêu cho ăn uống bình quân xấp xỉ 1,69 triệu đồng/người/tháng (Ảnh minh họa) - Ảnh: Coopmart

   

Sự bất bình đẳng trong chi tiêu bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất, lên tới 3,5 lần năm 2020. Chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm giàu nhất xấp xỉ 4,8 triệu đồng/người/tháng so với gần 1,4 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm nghèo nhất.

Nhiều chỉ tiêu được cải thiện

Cũng theo kết quả khảo sát, trong giai đoạn 2010-2020, chất lượng nguồn nước sinh hoạt của hộ gia đình được nâng cao một cách rõ rệt. Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh năm 2020 là 97,4%, tăng 6,9 điểm phần trăm so với năm 2010. Tỷ lệ này tăng nhanh ở khu vực nông thôn và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc.

Sử dụng điện sinh hoạt cũng là một chỉ tiêu quan trọng phản ánh đời sống cư dân. Ở nước ta, tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt đạt 99,5%, trong đó gần như không có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực thành thị - nông thôn và giữa các vùng miền, địa phương.

Với tư tưởng “an cư lạc nghiệp”, chất lượng nhà ở có vai trò vô cùng quan trọng quyết định tới chất lượng đời sống dân cư. Năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố lên tới 95,6%, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ hộ gia đình sống trong nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ, không hẳn là do điều kiện kinh tế kém mà đôi khi do điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán lâu đời. Diện tích nhà ở bình quân đầu người trên cả nước đạt mức 25,2 m2, tăng 7,3 m2 so với năm 2010, tương ứng tăng 40,8%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng dần theo các nhóm thu nhập và có sự chênh lệch đáng kể. Diện tích này cao nhất ở nhóm giàu nhất, cao gần gấp đôi (1,8 lần) nhóm nghèo nhất.
                
   

Diện tích nhà ở bình quân của nhóm hộ giàu cao gấp 1,8 lần nhóm hộ nghèo (Ảnh minh họa) - Nguồn: kientrucnhaviet

   

Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều chung cả nước năm 2020 là 4,8%, giảm 0,9 điểm phần trăm so với năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều ở nông thôn là 7,1%, cao hơn nhiều ở khu vực thành thị là 1,1%. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều cao nhất (14,4%), tiếp đến là các vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (11% và 6,5%). Vùng có tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều thấp nhất là Đông Nam Bộ (0,3%).

Trong năm 2020, có 19,4% số hộ dân cư được hưởng lợi từ dự án/chính sách giảm nghèo. Trong đó, có 17,11% hộ được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, 0,95% hộ được miễn giảm chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo, 0,36% hộ được hưởng tín dụng ưu đãi cho người nghèo.
         
Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Các thông tin được thu thập gồm: thu nhập, chi tiêu, nhân khẩu học, giáo dục, y tế, việc làm, đồ dùng lâu bền, nhà ở, điện, nước, điều kiện vệ sinh…
H.THOAN
Cùng chuyên mục
Khảo sát thu nhập dân cư, nhóm hộ giàu cao gấp 8 lần nhóm hộ nghèo