Khó có cú hích tăng trưởng ngành vật liệu xây dựng trong năm 2024

(BKTO) - Theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp, ngành vật liệu xây dựng nằm trong mắt xích cuối của chuỗi giá trị bất động sản - xây dựng - vật liệu xây dựng nên sẽ khó có cú hích cho sự tăng trưởng trong năm 2024 khi những vướng mắc thị trường bất động sản vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn.

vl.jpg
Ngành vật liệu xây dựng khó có cú hích cho sự tăng trưởng trong năm 2024. Ảnh: ST

Giá vật liệu xây dựng vẫn tăng cao dù thị trường ảm đạm

Các chuyên gia của Tổng cục Thống kê nêu rõ, xét trên chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng, giá nhà ở và vật liệu xây dựng có xu hướng tăng, chỉ có hai đợt chỉ số đi xuống vào cuối năm 2021 và giữa năm 2023.

Đến tháng 3/2024, giá nhà ở và vật liệu xây dựng đã tăng trung bình 21% so với thời kỳ gốc tháng 01/2019. Biến động giá mạnh nhất thuộc về mặt hàng thép xây dựng.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), có thời điểm giá thép lên đến gần 16 triệu đồng/tấn trong quý I/2023. Trong quý IV/2023, giá thép đã giảm xuống 13,5 triệu đồng/tấn - mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua và đang quay trở lại xu hướng tăng trong ba tháng đầu năm 2024.

Với mặt hàng xi măng, sau các đợt tăng giá liên tiếp trong năm 2022 thì hiện nay cũng đang giữ ổn định. Giá xi măng tại khu vực phía Nam có xu hướng cao hơn do chi phí vận chuyển và số lượng nhà máy sản xuất ít hơn.

Riêng với vật liệu đắp nền đường các dự án đường cao tốc khu vực phía Nam, do địa hình thấp nên nhu cầu vật liệu đắp nền lớn nhưng nguồn cung lại không thể đáp ứng.

Phỏng vấn của Vietnam Report để ghi nhận ý kiến của các chuyên gia ngành xây dựng đã cho kết quả đánh giá: “Giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành của các công trình, khiến giá bất động sản cũng tăng theo. Việc giá vật liệu biến động liên tục cũng gây gián đoạn tiến độ thi công do đội vốn, buộc chủ đầu tư và nhà thầu phải tính toán lại chi phí xây dựng”.

Nhiều khó khăn vẫn đang tiếp diễn

Những khó khăn mà các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đã đối mặt trong năm 2023 vẫn còn hiện diện, mặc dù mức độ có thay đổi nhưng đây vẫn là những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải - ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report cho biết.

Theo phản ánh của các chuyên gia được Vietnam Report phỏng vấn, trong quý I/2024, tình trạng hạn chế tài chính của người mua do kinh tế tăng trưởng chậm ghi nhận mức tăng 14,6% so với năm 2023. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 dừng lại ở mức 5,05%, cùng với triển vọng về mức độ phục hồi trong năm 2024 không quá mạnh mẽ cho thấy tổng cầu của nền kinh tế chưa có nhiều cải thiện, hoạt động chi trả cho bất động sản và vật liệu xây dựng giảm rõ rệt.

Cùng với đó, khi thoát khỏi thời kỳ “bão giá” vật liệu xây dựng, những lo ngại về biến động giá nguyên vật liệu, vật liệu xây dựng cũng giảm bớt (-30,8%) nhưng giá vật liệu xây dựng vẫn tiếp diễn xu hướng tăng. Sự bất cân xứng cung - cầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá vật liệu xây dựng và đã trở thành khó khăn có tỷ lệ tăng lớn nhất (36,2% doanh nghiệp lựa chọn).

Đối với thị trường xi măng, các nhà máy trên cả nước đã đầu tư công suất 117 triệu tấn/năm và có thể sản xuất trên 130 triệu tấn/năm. Trong khi tổng lượng tiêu thụ nội địa chỉ chiếm chưa tới 50% công suất thiết kế; nếu tính chung cả lượng xuất khẩu, tổng lượng tiêu thụ mới chỉ dừng lại ở mức 75%.

Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, lượng tiêu thụ xi măng tại các quốc gia ở giai đoạn tăng trưởng nhanh vào khoảng 1.000 kg/người/năm. Thậm chí, Trung Quốc cũng duy trì nhu cầu xi măng khoảng 1.600-1.700 kg/người/năm trong một giai đoạn dài và hiện nay khoảng 1.200-1.300 kg/người/năm.

Số liệu trên cho thấy, lượng tiêu thụ xi măng nội địa đang ở mức rất thấp so với quy mô dân số 100 triệu dân. Lượng dư cung sẽ đẩy áp lực lớn đến kênh xuất khẩu nếu tiêu thụ trong nước chưa thể tăng nhanh trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, thuế xuất khẩu clinker đã tăng từ 5% lên 10% từ ngày 01/01/2023. Thực tế cho thấy, clinker được sản xuất bằng công nghệ cao, qua nhiều công đoạn với chi phí đầu tư lớn, việc coi xuất khẩu clinker là xuất khẩu nguyên liệu thô cũng ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xi măng tại thị trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh dư cung hiện tại.

Đối với thị trường thép, dù không thoát khỏi tình cảnh chung là sản lượng sản xuất sụt giảm nhưng lượng sản xuất lại thấp hơn lượng tiêu thụ trong nước, tức cung đang thấp hơn cầu.

thep.jpg
Sản lượng sản xuất thép sụt giảm. Ảnh: ST

Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 80 triệu tấn thép nhưng nhập khẩu lên tới 133 triệu tấn, nếu quy ra giá trị, con số thâm hụt cán cân sẽ còn cao hơn nữa. Bởi lẽ, lượng lớn sản phẩm thép nhập khẩu về Việt Nam là thép chế tạo, có giá thành và hàm lượng giá trị cao hơn.

Một khó khăn trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã quay trở lại, đó sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn tăng 26,2%. Nguyên nhân do căng thẳng địa chính trị, các tàu chở container từ châu Á sang châu Mỹ và châu Âu phải di chuyển xa hơn để tránh các vùng biển nguy hiểm, làm giảm số lượng hàng hóa vận chuyển, đồng thời có thể đẩy giá cước tàu biển lên gấp đôi. Cùng với thuế xuất khẩu áp với một số mặt hàng, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường ngặt nghèo tại các thị trường phát triển sẽ trở thành rào cản, khó khăn lớn hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu vật liệu xây dựng của Việt Nam.

Ngoài ra, áp lực đối với ngành vật liệu xây dựng của Việt Nam còn đến từ thị trường Trung Quốc. Đây là một trong những thị trường xuất khẩu vật liệu xây dựng lớn của Việt Nam nhưng ngành bất động sản tại quốc gia này đang trong thời kỳ suy thoái kéo dài, sản xuất công nghiệp dư cung, nền kinh tế xảy ra tình trạng giảm phát.

Trước tình cảnh đó, xuất khẩu vật liệu xây dựng của Việt Nam sang Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong năm 2023, tổng lượng xi măng và clinker nhập khẩu vào Trung Quốc giảm lần lượt 88,1% và 94,8%. Trong khi hầu hết lượng clinker nhập khẩu đến từ Việt Nam, chiếm 98,6% tổng lượng nhập khẩu.

Không dừng lại ở đó, lượng dư cung tại Trung Quốc buộc quốc gia này giảm giá và đẩy mạnh xuất khẩu. Trung Quốc tiến xa hơn trong cuộc đua cạnh tranh không chỉ tại các thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam mà còn ngay tại thị trường trong nước.

Trước những khó khăn này, các chuyên gia cho rằng, những tín hiệu phục hồi thị trường vật liệu xây dựng còn khá mờ nhạt. Trước hết là sự phụ thuộc của ngành vật liệu xây dựng vào bất động sản còn quá lớn, trong khi ngành bất động sản vẫn còn khó khăn và phục hồi ở mức độ chậm, chưa thể trở thành cú hích cho thị trường vật liệu xây dựng tăng trưởng trở lại trong ngắn hạn./.

Cùng chuyên mục
Khó có cú hích tăng trưởng ngành vật liệu xây dựng trong năm 2024