Khởi động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới

(BKTO) - Ngày 27/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) tổ chức cuộc họp khởi động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1.

Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là khuôn khổ đối thoại chính sách thiết thực và hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản với các Bộ, ngành Việt Nam, khởi xướng từ năm 2003 và trải qua hơn 20 năm với 8 giai đoạn, góp phần quan trọng trong việc xây dựng chính sách, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam và thúc đẩy nguồn vốn đầu tư, công nghệ từ Nhật Bản vào Việt Nam nói riêng, từ các quốc gia trên thế giới vào Việt Nam nói chung.

2(1).jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Trên cơ sở Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, hai bên đã thống nhất triển khai giai đoạn tiếp theo Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản với tên gọi “Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1”.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, trải qua 50 năm vun đắp và phát triển, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại. Đến nay, Nhật Bản là đối tác hỗ trợ phát triển (ODA) đứng thứ 1 của Việt Nam, đứng thứ 2 về hợp tác lao động, thứ 3 về đầu tư và thứ 4 về thương mại.

Riêng 02 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đăng ký của Nhật Bản đạt 422,4 triệu USD, tăng 290% so với cùng kỳ. Đây là một tín hiệu rất khả quan cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn xem Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1.

1(1).jpg
Ký kết Bản ghi nhớ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1. Ảnh: MPI

Để triển khai giai đoạn đầu tiên của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị hai bên cùng phối hợp xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ của Sáng kiến chung gắn với các kết quả đầu ra cụ thể; bám sát và song hành với các nhiệm vụ, chương trình, nội dung có tính chiến lược phù hợp với xu hướng hiện nay để đạt được các mục tiêu mà Việt Nam đề ra tại các chiến lược, kế hoạch như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Chiến lược tăng trưởng xanh; Chiến lược công nghiệp hóa; Chương trình chuyển đổi số quốc gia; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ...

Ông Fujimoto Masayohi, Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản nhận định, Chính phủ và các cơ quan Việt Nam đã nghiêm túc lắng nghe các ý kiến, đóng góp của doanh nghiệp Nhật Bản và thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn. Điều này đã khiến các doanh nghiệp Nhật Bản luôn yên tâm và có hoạt động kinh doanh, đầu tư tích cực tại Việt Nam.

Để phát huy hết sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực của quan hệ hai nước, ông Fujimoto Masayoshi cho rằng hai bên cần tiếp tục có các hoạt động hợp tác và phát triển kinh tế và Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp.

Sáng kiến chung trong kỷ nguyên mới cũng sẽ bao gồm những hành động mạnh mẽ để thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng “0” châu Á (AZEC), thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo… đều là những lĩnh vực mà hai nước đặc biệt quan tâm. Doanh nghiệp Nhật Bản cũng bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình để góp phần phát triển “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” giữa hai quốc gia.

Trong vai trò đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, ông Fujimoto Masayohi khẳng định Ủy ban và Keidanren sẽ tiếp tục tham gia mạnh mẽ trong Sáng kiến chung Việt Nam Nhật Bản trong kỷ nguyên mới và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, giao lưu cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI).

Còn Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nhấn mạnh, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã góp phần không nhỏ trong cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt Việt Nam luôn nằm trong top 2 các quốc gia mà doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tới đầu tư. Tiếp đây, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới sẽ tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như phát triển ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam để xây dựng hệ thống chuỗi giá trị gia tăng bền vững.

Ông Yamada Juinichi, Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chia sẻ: “Trong quá trình triển khai Sáng kiến chung trong kỷ nguyên mới, JICA sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao tại Việt Nam và xây dựng một xã hội bền vững thông qua đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng”.

Giai đoạn 1 của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới gồm 05 nhóm vấn đề chính: Thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 - Châu Á, chuyển đổi xanh (AZEC/GX); Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (DX); Tăng cường chuỗi cung ứng, bao gồm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (lĩnh vực IT, AI, chất bán dẫn); Cải cách cơ chế để hoàn thiện môi trường đầu tư. Thời gian triển khai giai đoạn 1 của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới dự kiến là 19 tháng (từ tháng 3/2024 đến tháng 10/2025).

Cùng chuyên mục
  • Khoản lỗ của Fed tăng lên mức kỷ lục 114,3 tỷ USD vào năm 2023
    một tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Trong một năm đầy biến động với cuộc chiến chống lạm phát quyết liệt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phải gánh chịu tổn thất kỷ lục lên tới 114,3 tỷ USD trong báo cáo tài chính năm 2023 do các chi phí tăng vọt vượt quá nguồn thu. Con số lỗ khủng khiếp này buộc Fed phải tạm dừng đóng góp lợi nhuận cho ngân sách liên bang khi lãi suất vẫn duy trì ở mức cao.
  • Thái Nguyên tối ưu hóa nguồn lực đất đai cho sự phát triển bền vững
    một tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt chú trọng tới việc khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai. Một điểm nhấn trong quá trình này là huyện Phú Bình, nơi đã không ngừng mở rộng và phát triển các khu dân cư mới, phù hợp với quy hoạch tỉnh Thái Nguyên từ năm 2021 đến 2030, hướng tới năm 2050.
  • Nghệ An: Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt 11,18%
    một tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Bình quân 3 năm (2021- 2023), tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp của tỉnh Nghệ An đạt 11,18%; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10,62%.
  • Sẽ gỡ vướng về kinh phí chi thường xuyên để sửa chữa, mua sắm
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, mở rộng dự án; mua sắm tài sản..., Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Thông báo số 3307/TB-TTKQH về việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công, đồng thời đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết các nội dung này. Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về nội dung này để trình ban hành trong quý II/2024.
  • Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Với thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị, mạng lưới, thị trường… các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành cùng DN trong nước thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Khởi động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới