Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh

(BKTO) - Với thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị, mạng lưới, thị trường… các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành cùng DN trong nước thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

11.jpg
DN FDI với các dự án bền vững, xanh hóa đã và đang lựa chọn Việt Nam là điểm đến. Ảnh minh họa

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là xu thế tất yếu

Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững hiện đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới với mục tiêu chung là đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Các DN FDI không chỉ đầu tư kinh doanh có hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, mà còn đồng hành cùng Chính phủ để tham vấn chính sách pháp luật, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thông thoáng và minh bạch.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Trước tầm quan trọng của tăng trưởng xanh đối với tương lai đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó xác định rõ tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn. Tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững.

Trong quá trình thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, cộng đồng DN được xác định là nhân tố trọng tâm và các DN FDI phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành cùng các DN trong nước. Nhìn lại sự đóng góp của khu vực FDI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 đạt 3,423 triệu tỷ đồng, tăng 6,2%, trong đó vốn FDI giải ngân ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước và là mức cao nhất trong 5 năm qua. Năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 36,6 tỷ USD vốn FDI, tăng 32,1% so với năm trước. Qua đó đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,05%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao của khu vực và thế giới; đạt quy mô nền kinh tế tương đương 430 tỷ USD.

Không chỉ riêng năm 2023, những thành tựu của kinh tế Việt Nam trong những năm qua có vai trò quan trọng của khu vực FDI, kết quả đạt được càng thể hiện rõ chính sách nhất quán của Việt Nam coi kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Hơn nữa, định hướng phát triển của khu vực này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các DN FDI phải tiên phong hiện thực hóa các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, cần đẩy mạnh ứng dụng bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp FDI cam kết thực hiện các mục tiêu ESG

Kết quả khả quan được Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2024) ghi nhận khi thu thập ý kiến phản hồi từ 655 DN FDI tại Việt Nam trong các cuộc khảo sát thực hiện vào tháng 10/2023 và tháng 02/2024 cho thấy, gần một nửa (46%) số DN được khảo sát đã thể hiện rõ ràng các cam kết thực hiện các mục tiêu ESG theo lộ trình thời gian cụ thể. Đồng thời, hơn một nửa số DN FDI cũng cho biết đang chủ động thực hiện các giải pháp về phúc lợi nhân viên và công bằng xã hội. Đáng chú ý, 20% DN phân bổ hơn 5% ngân sách cho các hoạt động ESG, bao gồm thiết lập cơ cấu quản trị dữ liệu và đánh giá rủi ro. 60% DN cũng cho biết họ đã phân bổ ngân sách cho các sáng kiến ESG và việc phân bổ ngân sách cho các sáng kiến ESG được thấy rất rõ ràng ở các DN lớn.

Theo chia sẻ của các DN FDI, khoảng 8/10 DN cho biết trụ sở chính hoặc chi nhánh của họ tại Việt Nam đã xây dựng chiến lược ESG. Một chỉ số khá lạc quan là 34% DN đã tích cực thực hiện các chiến lược ESG tại địa phương, nhiều DN khác đang trong giai đoạn giám sát hoặc lập kế hoạch…

Tuy nhiên, từ kết quả khảo sát, ông Nitin Kapoor - đồng Chủ tịch Diễn đàn DN Việt Nam - cho rằng, triển vọng mở rộng kinh doanh của các DN FDI hiện đang ở mức thận trọng, điều này cho thấy Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để DN nước ngoài đóng góp vào lộ trình tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.

Khuyến nghị giải pháp, các chuyên gia nghiên cứu nêu: Việt Nam cần tích cực thúc đẩy các giải pháp để bổ sung công nghệ xanh về năng lượng, quản lý chất thải và xử lý nước. Điều này nâng cao tính bền vững về môi trường và thu hút các công ty tập trung vào ESG, một phân khúc đang ngày càng phát triển trong thị trường toàn cầu hóa ngày nay bởi DN ngày càng ưu tiên các yếu tố ESG khi đưa ra quyết định đầu tư. Thêm nữa, việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG là điều cần thiết để thu hút DN FDI đang có kế hoạch thiết lập hoặc mở rộng hoạt động hiện có. Cùng với đó là những thay đổi về quy định pháp lý và các ưu đãi tài chính hiệu quả, như giảm thuế và trợ cấp, có thể khuyến khích DN nước ngoài áp dụng các thông lệ phát triển bền vững toàn cầu ở Việt Nam. Đặc biệt, theo các chuyên gia, việc tiếp tục đầu tư phát triển lực lượng lao động có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi nâng cao kỹ năng, đào tạo lại lực lượng lao động Việt Nam sẽ không chỉ giúp tăng năng suất tổng thể mà còn định vị Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hơn đối với các DN FDI đang tìm kiếm nguồn lao động có tay nghề và khả năng thích ứng.

Bằng cách ưu tiên thực hiện các khuyến nghị trên, Việt Nam có thể củng cố vị thế là điểm đến FDI hàng đầu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn và thực hiện trách nhiệm với môi trường./.

Cùng chuyên mục
  • Dư địa tăng trưởng lớn, ngành hàng rau quả viết tiếp giấc mơ tỷ đô
    5 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, cùng những tín hiệu lạc quan về thị trường đang mang đến kỳ vọng về sự bứt phá tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm nay…
  • Xếp hạng công ty hàng đầu ngành xây dựng, hạ tầng - công nghiệp và cơ điện
    5 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Sáng 28/3, danh sách xếp hạng Top 10 Công ty xây dựng, Top 10 Nhà thầu xây dựng hạ tầng - công nghiệp và Top 10 Nhà thầu cơ điện năm 2024 đã được Vietnam Report công bố.
  • Nhận diện cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp
    5 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, bối cảnh vĩ mô dần tốt lên đem lại nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản, tận dụng cơ hội từ các chính sách và quá trình cải cách môi trường kinh doanh để tăng nội lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.
  • Cần bổ sung cơ chế, chính sách để Hà Nội bứt phá
    5 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Với quan điểm “đô thị đặc biệt phải có chính sách đặc biệt”, thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách để giải quyết những bất cập nội tại của Thủ đô và phát triển bứt phá.
  • Tìm giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp
    5 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Hiện nay, thanh khoản của các ngân hàng rất dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng ghi nhận đang ở mức khá thấp, cho thấy khả năng tiếp cận tín dụng và hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) còn khá hạn chế. Chính vì vậy, làm thế nào để tăng khả năng hấp thụ vốn của DN đang là một bài toán khó, cần các giải pháp đồng bộ từ nhiều phía.
Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh