Sẽ gỡ vướng về kinh phí chi thường xuyên để sửa chữa, mua sắm

(BKTO) - Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, mở rộng dự án; mua sắm tài sản..., Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Thông báo số 3307/TB-TTKQH về việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công, đồng thời đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết các nội dung này. Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về nội dung này để trình ban hành trong quý II/2024.

15.png
Cần làm rõ các giải pháp để giải quyết vấn đề chi thường xuyên để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, mở rộng dự án. Ảnh minh họa

Được sử dụng chi thường xuyên để sửa chữa, cải tạo

Thời gian qua, nhiều Bộ, địa phương và các đại biểu Quốc hội phản ánh về sự cần thiết sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) để xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình, hạng mục công trình trong hệ thống trụ sở các cơ quan nhà nước; các công trình phúc lợi xã hội như: Bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, cơ sở giáo dục đào tạo. Theo phản ánh, các công việc này phát sinh thường xuyên, không lường trước được, không kế hoạch hóa để bố trí từ vốn đầu tư công (ĐTC) trung hạn theo giai đoạn 5 năm. Hơn nữa, nếu các công việc này đều yêu cầu phải bố trí từ vốn ĐTC sẽ không kịp thời. Tuy vậy, vẫn có sự băn khoăn về cơ sở pháp lý, về sự áp dụng quy định pháp luật về Luật ĐTC, Luật NSNN.

Đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (Đoàn TP. Đà Nẵng) cho biết, Luật NSNN và các quy định chuyên ngành quy định về việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy. Tuy vậy, Luật ĐTC quy định về tính chất của dự án ĐTC dẫn tới cách hiểu rằng toàn bộ các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp… đều phải sử dụng nguồn vốn ĐTC. Điều này, dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật NSNN và các quy định chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công. Vì vậy, Bộ Tài chính cần làm rõ các giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Để tháo gỡ các vướng mắc, trong năm 2023, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có. Đồng thời, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình UBTVQH giải thích quy định của khoản 1 Điều 6 Luật ĐTC liên quan đến nhiệm vụ nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là cách hiểu khác nhau về quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật ĐTC.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đã thống nhất trình xin ý kiến UBTVQH về giải thích làm rõ các quy định của pháp luật về sử dụng kinh phí NSNN nhiệm vụ xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công. Căn cứ nội dung trình của Chính phủ, UBTVQH đã có Thông báo số 3307/TB-TTKQH thông báo Kết luận của UBTVQH về việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật ĐTC (Thông báo 3307).

Thông báo nêu rõ, Điều 6 của Luật ĐTC quy định việc phân loại dự án ĐTC theo tính chất của dự án (khoản 1) và theo mức độ quan trọng, quy mô của dự án (khoản 2) để làm căn cứ áp dụng các quy định pháp luật trong việc xác định trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện. Điều 6 Luật ĐTC không quy định nhiệm vụ, khoản chi nào phải dùng vốn ĐTC, không quy định chỉ sử dụng vốn ĐTC để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản; mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc.

Do đó, UBTVQH khẳng định, Luật ĐTC, Luật NSNN và các luật có liên quan khác không có quy định nào cấm sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản; mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc. Kết luận của UBTVQH đã thống nhất nhận thức trong toàn bộ hệ thống chính trị về vấn đề này. Tuy vậy, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tế hiện nay, UBTVQH giao Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết nội dung này.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Thực hiện Thông báo 3307 của UBTVQH, sự phân công của Thủ tướng Chính phủ và để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý cho các Bộ, địa phương, cơ quan sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN thực hiện các dự án đầu tư xây dựng… Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định nội dung này.

Để kịp thời trình Chính phủ thông qua trong thời gian sớm nhất, Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tham gia ý kiến vào một số nội dung cụ thể như: Sự cần thiết và căn cứ xây dựng nghị định. Đặc biệt, theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định cần quy định rõ một số nội dung cơ bản. Cụ thể, về khuôn khổ, đối tượng phạm vi điều chỉnh: Cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của NSNN để thực hiện các dự án có tổng mức đầu tư đến 15 tỷ đồng gồm: Xây dựng mới các hạng mục công trình trong các cơ sở, dự án, công trình đã có; cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng. Nếu trên 15 tỷ đồng phải đảm bảo các điều kiện (không có trong kế hoạch ĐTC trung hạn, không điều chỉnh, bổ sung được trong kế hoạch ĐTC trung hạn; thời gian thực hiện đảm bảo phù hợp với kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm và 5 năm). Dự án khẩn cấp, cấp bách để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, phục vụ nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác nhưng không được bố trí từ nguồn vốn ĐTC ngay trong năm kế hoạch.

Cũng theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định cần xây dựng tiêu chí phân định ranh giới giữa dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản, trang thiết bị, máy móc được sử dụng từ nguồn kinh phí ĐTC với các dự án được sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Quy định rõ về căn cứ xác định nhiệm vụ, xây dựng dự toán kinh phí; quy trình thủ tục phê duyệt nhiệm vụ, dự toán kinh phí theo quy định của pháp luật về NSNN, tránh trùng lặp đối với các quy trình đã thực hiện của dự án đầu tư.../.

Cùng chuyên mục
  • Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Với thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị, mạng lưới, thị trường… các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành cùng DN trong nước thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
  • Dư địa tăng trưởng lớn, ngành hàng rau quả viết tiếp giấc mơ tỷ đô
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, cùng những tín hiệu lạc quan về thị trường đang mang đến kỳ vọng về sự bứt phá tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm nay…
  • Xếp hạng công ty hàng đầu ngành xây dựng, hạ tầng - công nghiệp và cơ điện
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Sáng 28/3, danh sách xếp hạng Top 10 Công ty xây dựng, Top 10 Nhà thầu xây dựng hạ tầng - công nghiệp và Top 10 Nhà thầu cơ điện năm 2024 đã được Vietnam Report công bố.
  • Nhận diện cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, bối cảnh vĩ mô dần tốt lên đem lại nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản, tận dụng cơ hội từ các chính sách và quá trình cải cách môi trường kinh doanh để tăng nội lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.
  • Cần bổ sung cơ chế, chính sách để Hà Nội bứt phá
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Với quan điểm “đô thị đặc biệt phải có chính sách đặc biệt”, thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách để giải quyết những bất cập nội tại của Thủ đô và phát triển bứt phá.
Sẽ gỡ vướng về kinh phí chi thường xuyên để sửa chữa, mua sắm